“Đất mượn” trở thành đất “chính chủ”?
Theo bà Nga thì, thửa đất số 294, tờ bản đồ số 17 có diện tích 1.725,7 m2 (bản đồ địa chính phường Hòa Hiếu lập năm 2010) là phần đất khai hoang của ông bà ngoại bà Nga là ông Vi Văn Tuân và bà Nguyễn Thị Bổn khai hoang phục hóa từ năm 1977. Sau đó ông Tuân bà Bổn để lại cho bà Quy (mẹ ruột của bà Nga) và rồi bà Quy lại ủy quyền cho bà Nga toàn quyền sử dụng miếng đất.
Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu và gia đình không có điều kiện canh tác nên đến năm 1995, ông Tuân và bà Bổn (tên thường gọi là bà Minh) cho người hàng xóm là ông Hòa mượn tạm miếng đất để sản xuất với điều kiện là hằng năm phải trả cho ông Tuân - bà Minh 20 kg gạo và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đóng cho nhà nước.
Do tình làng nghĩa xóm thân thiết nên hai bên gia đình chỉ thỏa thuận bằng miệng mà không lập biên bản. Vì vậy đến năm 2006, khi bà Nga và mẹ lên nhà ông Hòa để đòi lại đất thì bị từ chối.
Bà Nga cũng cho biết, đã nhiều lần, hai mẹ con bà Nga đã tới nhà ông Hòa đòi lại miếng đất vốn thuộc quyền sở hữu của mình thế nhưng ông Hòa vẫn một mực chối cãi và không chịu trả lại. Vì vậy, buộc lòng bà Nga phải làm đơn đòi lại đất lên UBND phường Hòa Hiếu đề nghị sự can thiệp của chính quyền địa phương.
“Đã hơn 8 năm nay, tôi chạy ngược xuôi đòi lại công bằng tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa có một quyết định thỏa đáng nào từ cơ quan có thầm quyền công nhận quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh tới khi nào dành lại được sự công bằng”, bà Nga nói.
Cũng theo lời bà Nga, trong thời gian đầu đòi lại miếng đất mà gia đình bà đã cho ông Hòa mượn ở trước đó thì ông Hòa từ chối trả lại vì cho rằng đó là miếng đất mà chính gia đình ông đã bỏ công san lấp từ hố bom để canh tác, sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay.
Tuy nhiên, cách đây vài năm, sau khi bà Nga có đơn kiện gửi đơn đến UBND phường Hòa Hiếu, UBND Thị xã Thái Hòa đòi lại miếng đất thì ông Hòa lại cho rằng miếng đất mà ông đang canh tác là do HTX Hồng Thái cấp cho ông canh tác sau thời gian ông xuất ngũ trở về?
Qua tìm hiểu, miếng đất có diện tích hơn 1.700 m2 nằm ở tờ bản đồ số 17 (bản đồ địa chính phường Hòa Hiếu lập năm 2010) ban đầu là thửa đất khai hoang và xung quanh khu vực đó chưa có hộ gia đình nào có bìa đỏ. Theo bà Nga, năm 2010, khi cán bộ địa chính của tỉnh về đo đạc lại các thửa ruộng để cấp bìa đỏ thì thửa đất 294, tờ bản đồ số 17, diện tích 1.725,7 m2 vẫn đứng tên Hồ Thị Nga.
Người trong cuộc nói gì?
Để tìm hiểu chân tướng sự thật, phóng viên đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Ngọc Hòa. Theo ông Hòa thì những gì mà bà Nga nói hoàn toàn không có chứng cứ. Bởi vì theo ông Hoà thì ông Tuân và bà Bổn (ông bà ngoại của bà Nga) không phải là người khai hoang đầu tiên mà là do ông Phùng Xuân Hanh - người của HTX.
Sau khi ông Hanh không làm nữa thì ông Tuân và bà Bổn mới khai hoang sản xuất. Nhưng sau đó ông Tuân bà Bổn mới cho vợ chồng ông Đoàn Văn Nghệ, bà Lê Thị Yên canh tác. Tuy nhiên sau đó không ai canh tác nữa thì đến năm 1995 ông Hòa mượn để canh tác và từ đó đến nay ông Hòa là người đóng thuế nghĩa vụ ruộng đất cho nhà nước.
Bác bỏ ý kiến của bà Nga cho rằng ông Tuân và bà Bổn là người khai hoang phục hóa, lấp hố bom để sản xuất, ông Hòa cho rằng: Thực tế việc lấp hố bom là do qua các giai đoạn, người trước lấp một chút, người sau lấp một chút chứ cũng không thể lấp được hố bom vì nó rất to. Đến lượt tôi làm, tôi thuê máy húc san lấp hố bom nên nó mới được như bây giờ”.
Cũng theo ông Hòa, miếng đất mà bà Nga canh tác là phần đất công của HTX cấp cho ông sau khi xuất ngũ trở về địa phương tăng gia sản xuất có thời hạn nên bà Nga không có quyền đòi lại. Tuy nhiên, khi hỏi ông Hòa thời hạn trả lại đất cho HTX là lúc nào thì ông Hòa lại “từ chối” trả lại vì cho rằng HTX giao cho ông canh tác lâu dài nên trên danh nghĩa là đất của HTX nhưng thực ra là đất của gia đình ông?
Vụ tranh chấp quyền sử dụng thửa ruộng 294 với diện tích 1.725,7 m2 giữa gia đình bà Hồ Thị Nga và ông Nguyễn Ngọc Hòa kéo dài từ năm 2006 cho đến nay. Trong khoảng thời gian đó, bà Nga đã làm đơn kêu cứu lên nhiều cấp khác nhau và đã có câu trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên đến nay bà Nga vẫn “không phục” trước những quyết định đó vì cho rằng chưa thỏa đáng.
Còn tiếp…