Theo chân thầy cúng đi... “bắt ma“

31/10/2014 08:00

Theo dõi trên

Ma quỷ trong dân gian vẫn xem là chuyện hoang đường, bông đùa, chỉ có kẻ mê muội thì tin. Người gan to thì khi vui lấy chuyện ma đem ra dọa trẻ con mỗi lúc chúng không nghe lời. Ấy vậy mà ở thủ đô Hà Nội, giữa thế kỷ XXI không ít người vẫn tin là… có ma.

Đã có người tin ắt có người "bắt ma". Con ma cũng giống con cá dưới hồ, khó mấy cũng có ngư ông túm vây, xỏ mang mà tróc lên vậy. Tôi có diễm phúc được theo chân mấy thầy đi "bắt ma".

Chân dung “phù thủy bắt ma"

Ở tuổi ngoại ngũ tuần, tóc vẫn đen, nước da mai mái, dáng hộ pháp, Sông là người sống với người âm nhiều hơn… với vợ con bởi quanh năm suốt tháng y gắn bó với những dịch vụ như bốc mộ, cúng tuần tam, tuần thất, xem ngày giờ cho cả đám ma lẫn đám cưới!  




Ảnh minh họa

Trong con ngõ nhỏ ở phố KT, nhìn vào nhà Sông, người ta nhận ra ngay bởi cái nóc cao chót vót, trong đó ngự trị 1 am thờ quanh năm hương khói với tượng Phật, tượng thầy trò Đường Tăng cùng Quan Vũ.  Để có thể mang danh là ông thầy đi ‘kiếm cơm thiên hạ” cũng phải lao tâm khổ tứ chứ không bỗng dưng mà… cứ thế đi xúc của thiên hạ - Sông nói. Cấp độ của thầy cúng cũng như là 1 thứ “sỹ quan”: Từ Cửu phẩm, Tòng cửu phẩm, Tòng nhân, Cấp sắc... (Sông ở cấp Tam phẩm)… Ngoài việc thuộc kinh sách (khoảng 200 cuốn và 364 khoa cúng, tương đương với 364 tay ấn), sức khỏe là nhân tố quan trọng, bởi nếu yếu thì nội ngửi mùi hương, mùi người chết, nghe tiếng khóc, tiếng trống kèn cũng đủ “đơ” người.
 
Với thể lực của Sông, anh ta có thể cúng 1 lèo từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Điều này thì tôi đã được chứng kiến 1 lần vào ngày rằm tháng Giêng tại ngôi chùa cổ gần Ngã Tư Sở, Sông cùng đám đệ tử cúng giải hạn đầu năm cho rất nhiều người từ đầu chí cuối… mà gần như “không có chủ nhật” (giờ nghỉ)… Sau gần 10 năm “làm ăn” cũng khấm khá, 3 năm trước, Sông cùng mấy đệ tử thành lập hẳn 1 công ty TNHH chuyên về văn hóa và tâm linh (thực chất là chuyên đi cúng). Nhưng không hiểu vì căn cớ gì, sau 1 năm hoạt động,  công ty “tan đàn sẻ nghé” – Sông lại quay lại với nghiệp “thầy cúng”... tự do.

Một buổi đi bắt ma

Vốn là chỗ quen biết, biết tôi không mấy tin vào chuyện ma mị nên Sông đã đồng ý cho tôi bắt ma 1 lần để vừa thuyết phục tôi chuyện có ma, vừa để tôi mở rộng tầm mắt! Sáng một ngày đầu thu, vào chân đạo đồng tôi chính thức được “phiên chế” vào đội quân đi... bắt ma. Nơi ma nấp là nhà một đại gia ở phường An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là khu nhà khá biệt lập, kín cổng cao tường, bên trong tòa ngang dãy dọc – đặc biệt còn có thêm ngôi nhà sàn rất đẹp. Theo gia chủ, lâu nay trong nhà luôn lục đục, làm ăn không yên ổn – đi xem bói bị phán là có ma nên phải mời thầy đến “tróc”.

Hôm ấy mưa sụt sùi, bầu trời mây đen vần vũ khiến không khí buổi bắt ma rất bí hiểm và nặng nề. Đàn được lập trên 1 chiếc gốc cổ thụ (gia chủ vẫn dùng làm chỗ tiếp khách), bát hương, gạo muối, gà luộc xôi oản hoa quả đầy đủ. Trên đàn các thầy còn bầy nhiều thứ hình nộm xanh đỏ tím vàng. Chiếu hoa trải la liệt, xung quanh là cờ phướn, đồ nghề gồm 1 trống cái, trống con, chuông, mõ, thanh la, não bạt, tiêu cảnh, một bộ sa đàn (gồm quần) áo cà sa, mũ liên hoa, tích trượng, tầm xích...

Hôm ấy vì ma thuộc loại “rắn mặt” mà trình độ còn thấp nên Sông phải nhờ 1 thầy “cao tay ấn” hơn mình (tên là Phong) từ Ninh Bình lên để... trợ chiến. Theo Sông, thầy Phong ở cấp độ Nhất phẩm nên có thể dùng 3 nén hương “thư” lên đàn, đàn tự bốc cháy... Vẫn theo Sông thì trong các chư thần, chư thánh, chỉ có 2 người có đủ tài bắt ma là Tề Thiên Đại Thánh - tức Đấu Chiến Thắng Phật và Sơn Tiêu Độc Cước (tượng pháp hiện đang thờ ở đền Độc cước ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa). Muốn bắt được ma phải biết tên của nó và nhờ Tề Thiên Đại Thánh và Tiêu Sơn Độc Cước bắt về. Sau đó thầy “thư” lên khăn và roi dâu để “khảo”...

Trận chiến “tróc” ma bắt đầu: Hai thầy mặc áo cà sa, đầu đội mũ liên hoa, tay cầm tích trượng, tầm xích – tay “bắt quyết”, miệng niệm chú, tiếng trống cái, trống con, thanh la não bạt liên hồi gióng lên, khói hương mù mịt, khiến không khí càng thêm ma mị. Sau màn chiêng trống, hai thầy quay ra màn “thư, khảo” ma, tróc tên tuổi ở đâu, chết như thế nào có ai thờ cúng...

Ngồi “chịu trận” thay ma hôm đó là 1 cậu bé chừng hơn 10 tuổi là cháu của gia chủ, trong không khí ma mị ấy, cậu bé chao đảo như lên đồng, miệng nói lảm nhảm. Sau 1 hồi, 2 thầy cũng tróc được tên... mấy con ma. “Ma” này khai rằng 1 số chết đói năm 1945, một số chết trôi từ nơi khác dạt về. Hai thầy rất đắc ý, sau đó thầy Phong lên đàn, miệng chú, tay bắt quyết, tay cầm roi dâu “thư” vào đùi mình để... khảo con ma đầu đảng. Nếu ngọn cờ (làm bằng cành tre) phe phấy và quay về hướng nào tức là ma muốn đi về hướng ấy, đạo đồng (là tôi) cầm gạo muối ném theo để tống tiễn ma, sau đấy đốt vàng mã để tạ là xong.

Tuy nhiên hôm ấy thầy Phong “thư” đến chảy cả máu chân mà ngọn tre vẫn không chịu... phe phẩy. Ngồi lấy hơi 1 lúc, cả hai thầy cùng “thư”, trống phách lại nổi lên inh ỏi, hương khói lại càng cháy tợn... Hình như do không khí mỗi lúc thêm nóng, gió từ ngoài thổi vào nên ngọn tre có phe phẩy đôi chút. Được thể thầy Sông quát tôi tung gạo muối theo hướng cành tre.

Ngồi suốt cả buổi chỉ chờ có vậy, tôi cầm cả bát gạo trộn muối hắt bừa theo hướng ngọn tre đang phe phẩy... Màn chiêng trông gióng lên 1 hồi như để tiễn lũ ma, hương vàng, mã cũng đồng loạt được hóa. Buổi lễ kết thúc, sự “bắt ma”... thành công tốt đẹp!
Vẫn theo Sông thì trong các chư thần, chư thánh, chỉ có 2 người có đủ tài bắt ma là Tề Thiên Đại Thánh (tức Đấu Chiến Thắng Phật và Sơn Tiêu Độc Cước (tượng pháp hiện đang thờ ở đền Độc Cước ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa). Muốn bắt được ma phải biết danh tính của nó và nhờ Tề Thiên Đại Thánh và Tiêu Sơn Độc Cước bắt về.


Trò nhảm nhí

Chờ hương trên án tàn hết, 2 thầy dọn dẹp và cầm nốt chỗ hương còn lại đốt và cầm lên khua về 4 hướng, mồm khấn lầm bầm. Chúng tôi nhanh chóng thu dọn hiện trường và lên mâm, tuy đã đói mềm nhưng 2 thầy chỉ uống vài chén rượu qua loa và đứng dậy ra bàn nước. Tôi biết ý nên đứng lên cùng 1 cậu bé là “đạo đồng xịn” ra ngoài dắt xe chờ đưa 2 thầy về. Một lúc sau, 2 thầy đút vội phong bì vào túi rồi cáo biệt gia chủ.

Trời về chiều mưa càng nặng hạt, trên đường về không ai nói với nhau câu nào... Mãi mấy hôm sau Sông mới gọi điện mời tôi đi uống rượu, suốt bữa rượu hôm ấy, tôi không hề đả động đến chuyện bắt ma hôm trước. Khi rượu sắp tàn, Sông thú thật với tôi rằng buổi bắt ma hôm trước không thành công vì “Thiên cơ bất khả lộ”, có thêm tôi là người ngoại đạo nên hỏng việc! Sông bảo rằng nhiều lần y đi bắt ma chết đuối ở Bình Lục, sau khi cúng vái, bắt quyết và “thư” thì ma chạy từ dưới sông lên – dấu chân in lên tấm vải trắng (được trải ra làm cầu) làm cả nhà xanh mắt. Lần khác, cúng ma thắt cổ tự tử, sau khi “thư”, ma hiện hình, Sông cho gia chủ cầm dao phạt ngang quả đu đủ (là đồ cúng) thì quả đu đủ... phọt máu!

Đem câu chuyện trên “thỉnh” vấn 1 thầy đã giải nghệ - ông cho biết: Đây là trò bịp bợm. Chuyện dùng tấm vải trắng làm “cầu” mà hiện bước chân lên là do trước đó nó đã bị tẩm 1 loại hóa chất, người ta chỉ cần nhúng chân vào chậu nước đã pha (hóa chất) – sau đó “đi” lên tấm vải phơi khô. Khi tấm vải được đem ra làm “cầu”, khoảng 30 phút, gặp hơi nước tự khắc nó sẽ nổi hình bàn chân lên! Còn chuyện chém quả đu đủ phọt máu thì quá bình thường. Chỉ cầm “thủ” kim tiêm đã bơm máu lợn, tranh thủ khi gia chủ sơ ý “bơm” vào quả đu đủ (việc này quá đơn giản vì khi các thầy hành lễ, cấm gia chủ lại gần) chỉ cần mấy giây là xong. Sau đó lễ lạt hương khói, cúng bái loạn xị ngậu thì ai mà biết được trò ma bùn của các thầy!

Lâu ngày không gặp, mới đây qua 1 người bạn thì được biết hiện tại Sông vẫn làm nghề thầy cúng, nhưng sau bận cho tôi đi cùng, Sông và “đồng đội” không còn diễn trò này nữa. Việc cúng bái cho ông bà cha mẹ khi qua đời là đạo hiếu của bất cứ ai, không ít người mời thầy về cúng bái để hương hồn người quá cố được mát mẻ nơi chín suối. Hoặc giả khi làm nhà cửa, việc xem ngày giờ, cúng bái thành hoàng thổ địa âu cũng là phong tục ngàn đời. Nhưng lợi dụng sự mê muội của 1 số người để trục lợi là điều đáng lên án.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Theo chân thầy cúng đi... “bắt ma“" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.