![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/12523523563636634.jpg)
Thời gian để làm quyển sách ảnh này hơn 5 năm. Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường đã bỏ tiền túi đi 40 nước khắp 5 châu lục trên thế giới để tìm hiểu, sưu tầm tư liệu và chụp ảnh các di sản, kỳ quan của nhân loại. Mỗi một di sản được giới thiệu bằng một ảnh và có những thông tin về di sản đó ở đâu, thuộc nước nào, xây dựng, trùng tu, sửa chữa năm nào, ý nghĩa nghệ thuật và tâm linh của nó nên rất hấp dẫn.
Sách ảnh “Những Kỳ quan và Di sản của nhân loại" gồm 3 phần chính: Phần I giới thiệu biểu trưng và lịch sử ra đời của Ủy ban di sản thế giới. Trong phần này, sách giúp bạn đọc phân biệt thế nào là Di sản văn hóa, Di sản tự nhiên (hay còn gọi là thiên nhiên), Di sản hỗn hợp (vừa là di sản văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên). Loại di sản này trên thế giới có rất ít, trong đó Việt Nam có một di sản hỗn hợp là Di sản Tràng An (Ninh Bình).
Phần II giới thiệu 7 kỳ quan cổ đại, 7 kỳ quan thế giới mới và 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại hiện chỉ Kim Tự Tháp ở Ai Cập còn khá nguyên vẹn, Đền Artemis và Lăng mộ Mausolus ở Hy Lạp đều bị phá hủy một phần. Còn 4 kỳ quan thế giới cổ đại khác gồm Ngọn Hải đăng Alexandria, Tượng thần Zeus và Tượng khổng lồ Helios ở Hy Lạp và Vườn treo Babylon ở Iraq đều bị phá hủy hoàn toàn, đã biến mất.
Trả lời câu hỏi tại sao thời cổ đại chỉ xếp 7 kỳ quan mà không xếp 8, 9 hoặc 10… kỳ quan? Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường giải thích rằng người cổ đại quan niệm rằng số 7 là số lớn nhất. Có lẽ vì thế, thời cổ đại, người ta chỉ chọn 7 kỳ quan thế giới.
![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/235235566363646343.jpg)
Sách ảnh này cũng đã giới thiệu 7 kỳ quan thế giới mới do tổ chức NOWC (New Open World Comporation) đã tiến hành bình chọn vào tháng 9/1999, thế kỷ 20, qua điện thoại hoặc mạng Internet gồm Lăng mộ Taj Mahal (Ấn Độ), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), Khu di tích Petra (Jordan), Pháo đài Machu Picchu (Peru), Tượng chúa Jesus (Brazil), Khu di tịch Chichen Itza (Mexico), Đấu trường Colossseum (Italia).
Phần 3 giới thiệu kỳ quan 5 châu. Mỗi châu xếp thứ tự A,B,C… theo tiếng Việt để dễ tra cứu. Trong Lời giới thiệu, NXB Hồng Đức đã lưu ý: “Cuốn sách ‘Những kỳ quan và Di sản của nhân loại’ của soạn giả Trần Mạnh Thường muốn giới thiệu với bạn đọc một đôi nét khái quát về những di sản vô giá của nhân loại đã được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới, nhằm đưa chúng ta ngược dòng thời gian chiêm ngưỡng những di sản do con người và thiên tạo nên, sống mãi với thời gian, trong đó có những kiệt tác bất hủ đã trải qua hàng nghìn năm”.
Đặc biệt, giữa tháng 12/2020, Nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường ra mắt cuốn sách ảnh "Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979", dày 120 trang, với khổ 25x25 cm, gồm 110 ảnh đen trắng, là cái nhìn tổng quan về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường thực hiện khi là cán bộ của Phòng Nhiếp ảnh, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin được cử đi tăng cường cho biên giới Cao Bằng làm nhiệm vụ chụp hình tư liệu tháng 2/1979.
Hôm ra mắt sách ảnh đó, trước đông đảo báo giới, Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường đã cảm động nấc nghẹn không cầm được nước mắt khó nói nên lời sau 42 năm ấp ủ mới được NXB Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép xuất bản. Thông qua cuốn sách này với những bức ảnh tư liệu quý hiếm, độc nhất vô nhị, Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường muốn gửi đi thông điệp mà Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thể hiện trong đôi lời giới thiệu sách, nêu rõ: Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng bất cứ cuộc chiến tranh nào đã nổ ra thì nhân loại không được phép lãng quên. Dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc vì nền độc lập và tự do của mình. Cuộc chiến tranh do quân xâm lược Trung Quốc tiến hành năm 1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta là một cuộc chiến tranh có những lý do đặc biệt mà chúng ta không thể nào quên và không được phép quên. Không chỉ bây giờ mà mãi mãi về sau, những người Việt Nam phải nhớ và hiểu đúng cuộc chiến tranh này... Những khuôn hình của Nhà nhiếp ảnh Trần mạnh Thường luôn tạo ra những cái nhìn tập trung, sắc lạnh, vừa chi tiết, vừa bao quát và lột tả được toàn bộ những gì mà cuộc chiến đã diễn ra. Những bức ảnh trung thực cho người xem cảm như chính mình đã chứng kiến cuộc chiến tranh ấy.
Xin chúc mừng thành quả lao động rất đáng tự hào của Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường. Mong ông khỏe mạnh, tiếp tục có những sách ảnh quý giá về những chủ đề khác ra mắt bạn đọc trong năm Tân Sửu và những năm tiếp theo.