Thầy lang Mường có nhiều con nuôi nhờ biệt tài… trị vô sinh hiếm muộn

26/11/2014 20:14

Theo dõi trên

Huyện Tân Sơn, Phú Thọ, mảnh đất sinh sống của cộng đồng người Mường, nơi đây được biết đến là vùng đất còn sót lại nhiều loại thảo dược quý hiếm, cũng như nhiều bài thuốc dân gian độc đáo lưu truyền trong các gia đình người Mường. Bài thuốc vô sinh cũng là một trong những bài thuốc quý còn được lưu truyền đến bây giờ và đem lại niềm vui cho nhiều người.




Gia đình anh Phùng Văn Tĩnh và chị Hoàng Thị Thanh đã sinh hạ được bé gái Phùng Kim Ngân nhờ bài thuốc vô sinh quý hiếm

Bài thuốc quý từ cây cỏ

Thôn Mịn 1 nằm bên Quốc lộ 32 đoạn đi qua xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) được rất nhiều người từ khắp nơi trên cả nước biết đến bởi ở đây có một thầy lang Mường trẻ tuổi nổi tiếng với phương thuốc gia truyền chuyên chữa bệnh vô sinh, hiếm muộn. Anh tên là Phùng Văn Anh (SN 1983), là truyền nhân đời thứ 9 trong một gia đình có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Người Mường từ xa xưa vốn được lưu truyền có rất nhiều bài thuốc Nam độc đáo. Ngay khi còn nhỏ, anh Phùng Văn Anh đã được mẹ đẻ của mình là lương y Hoàng Thị Lan (1934)  truyền dạy cho nhiều bài thuốc bí truyền của gia đình. Từ các bài thuốc chữa những căn bệnh thông thường như ung nhọt, dạ dày, đau gan, cho đến các bệnh phức tạp hơn như thai sản, thai lưu, băng huyết. Tuy vậy, để học được cách chữa trị bệnh vô sinh, anh phải trải qua rất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu thực tế. Gần 10 năm chăm chỉ đi hái thuốc, nghiên cứu sách vở, anh mới tiếp thu được đầy đủ, trọn vẹn các bài thuốc gia truyền của gia đình, và trong đó có bài thuốc quý chữa trị vô sinh.

Theo anh Phùng Văn Anh, vô sinh do nhiều nguyên nhân, có thể do tác động từ môi trường sống hoặc do bẩm sinh gây nên tắc vòi trứng, viêm tử cung ở nữ giới, tinh trùng loãng, yếu đối với nam giới. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến vô sinh. Nguyên nhân có thể từ vợ hoặc chồng, mỗi người lại có một căn nguyên khác nhau, phải căn cứ vào đó mới cắt các bài thuốc phù hợp cho người bệnh được.  

“Mỗi con người khi sinh ra đều mang thể trạng và tính chất của vùng đất nơi mình sống. Người miền Nam khác với người miền Bắc. Vì thế, các nguyên tắc chữa trị bệnh và các vị thuốc cũng khác nhau, ngoài ra còn phải căn cứ vào gốc của bệnh mới có thể cắt đúng bài thuốc để chửa trị. Tất cả các vị trong bài thuốc gia truyền chữa vô sinh của gia đình tôi đều từ cỏ cây trên núi”, vị thầy lang trẻ tuổi cho biết.


Vị thầy lang trẻ tuổi cho biết thêm, các trường hợp muộn con, khi uống thuốc của gia đình anh cắt cho có thể trị gốc của bệnh và sau đó sinh nở bình thường. Nhiều trường hợp, vợ chồng cưới nhau hơn chục năm trời nhưng vẫn không thể có con. Khi đến với gia đình anh, chỉ sau 2 thang thuốc đã có thai và sau đó sinh được quý tử. 

Gia đình anh Hoàng Văn Giữa (1992)  và chị Hà Thị Xuân (1991) ở xóm Mịn 2 cưới nhau vào năm 2010. Sau 2 năm kết hôn vẫn chưa có được niềm vui có con. Đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì được kết luận chồng tinh trùng loãng, vợ tắc buồng trứng. Gia đình gom tiền chạy chữa khắp nơi nhưng không thành. Đến đầu tháng 2/ 2013, hai vợ chồng đến cắt thuốc tại gia đình thầy lang Phùng Văn Anh, chỉ sau 2 tháng, vợ đã mang thai.

Cũng hiếm muộn như vợ chồng anh Giữa, nhưng vợ chồng ông Hà Văn Huấn (1968), hiện là phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận và vợ là chị Đinh Thị Tiệp (1968) gặp tình trạng hiếm muộn lâu hơn tương tự. Lấy nhau từ năm 1987, nhưng sau 7 năm hai vợ chồng vẫn chưa được hưởng niềm vui làm cha làm mẹ. Chạy chữa khắp nơi nhưng chẳng có kết quả. Đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Sơn thì được các bác sĩ chẩn đoán là do vợ bị viêm tử cung. Được nhiều người mách bảo, hai vợ chồng tìm đến cắt thuốc vô sinh của bà Lan, mẹ đẻ của thầy lang Phùng Văn Anh. Chỉ sau mấy thang thuốc, chị Tiệp đã mang thai và sau đó sinh hạ con đầu lòng là em Hà Văn Hải (1994). Hiện Hải đang là sinh viên năm nhất của Học viện công an nhân dân.

Niềm vui giản dị của nghề bốc thuốc

Trò chuyện, vị thầy lang trẻ tuổi tâm sự, trong quá trình bốc thuốc trị bệnh cho mọi người, niềm vui lớn nhất của anh và gia đình là khi nhận được điện thoại thông báo tin vui từ những người đến cắt thuốc. “Người ta gọi điện đến rồi xưng tên tuổi, địa chỉ và báo lại là đã mang thai sau khi uống thuốc, thấy họ được thỏa tâm nguyện là mình vui lắm. Làm thầy thuốc mà giúp được người là niềm vui lớn nhất đời, không gì có thể sánh được”.

Không chỉ cắt thuốc cho những ca vô sinh hiếm muộn trong địa bàn tỉnh Phú Thọ, mà hàng ngày gia đình thầy lang trẻ Phùng Văn Anh còn tiếp đón rất đông những người bị chứng vô sinh, hiếm muộn từ khắp nơi trên cả nước đến cắt thuốc. Gần thì Hòa Bình, Tuyên Quang, xa thì Quảng Ngãi, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương… Con số những cặp vợ chồng bị hiếm muộn đến cắt thuốc và đã sinh được con đến giờ quá nhiều, dày kín cuốn sổ theo dõi người bệnh của gia đình. Nhiều gia đình từ miền nam xa xôi, sau khi có được niềm vui được làm cha làm mẹ đã tri ân gia đình thầy thuốc bằng cách cho con của mình nhận vị thầy lang trẻ làm bố nuôi. Anh Phùng Văn Anh cười tươi vui vẻ cho biết: “Đến giờ con nuôi của tôi nhiều lắm, khắp cả nước đâu cũng có hết. Cứ dăm bữa nửa tháng là cứ gọi điện thoại về hỏi thăm bố luôn ấy mà”.

Ông Hà Văn Tuy, phó trưởng thôn Mịn 1 nhận xét: “Bài thuốc của gia đình anh Phùng Văn Anh là rất giá trị, tỉ lệ người sinh con sau khi uống thuốc là rất nhiều, hiệu quả trên 80%. Ở đây, không chỉ người trong thôn công nhận hiệu quả của bài thuốc mà cả huyện Tân Sơn này ai cũng công nhận vậy!”.

Ông Hà Văn Huấn, phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết: “Bài thuốc của gia đình anh Phùng Văn Anh thật sự có hiệu quả giá trị to lớn, đem lại niềm vui được làm cha làm mẹ cho rất nhiều gia đình, và gia đình tôi cũng là một trong số đó. Chính quyền địa phương ghi nhận và khẳng định giá trị của bài thuốc quý đó, và cũng rất mong nhà nước có chính sách đúng đắn nhằm công nhận bài thuốc gia truyền cho gia đình anh Phùng Văn Anh, cũng như có chính sách để gìn giữ phát triển được nguồn dược liệu quý trên địa bàn ngày càng bị mất dần.”
 
Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Thầy lang Mường có nhiều con nuôi nhờ biệt tài… trị vô sinh hiếm muộn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.