Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo các bảo tàng như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố…
Trên cơ sở quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm tạo điều kiện trong việc cấp kinh phí để các bảo tàng mua được những hiện vật, sưu tập hiện vật quý, hiếm. Bên cạnh việc mua hiện vật từ ngân sách thành phố, các bảo tàng luôn chủ động tiếp cận và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến tặng hiện vật cho bảo tàng để làm phong phú nội dung trưng bày nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của công chúng ngày càng tốt hơn.
100% tư liệu được kiểm kê khoa học, các hiện vật gốc được nhập sổ kiểm kê, sổ phân loại hiện vật, phần mềm quản lý hiện vật, lập hồ sơ hiện vật và đánh số hiện vật; tài liệu khoa học phụ gồm tư liệu văn bản, phim tài liệu, hình ảnh được nhập sổ kiểm kê khoa học phụ, nhập sổ phân loại chuyên đề; lưu giữ tốt hồ sơ hiện vật, tư liệu và các loại sổ Kho; các bảo tàng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc nhập - xuất hiện vật, tư liệu phục vụ công tác trưng bày, triển lãm trong và ngoài bảo tàng.
Các bảo tàng thực hiện việc kiểm kê hiện vật cập nhật phần mềm Quản lý hiện vật đã được Cục Di sản văn hóa cung cấp năm 2004, Cập nhật dữ liệu phần mềm Hệ thống thông tin quản lý bảo tàng trên website của Cục Di sản văn hóa.
Hiện nay, 07 Bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao đang quản lý hơn 1.327.500 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, 259 sưu tập hiện vật quý và 16 bảo vật quốc gia.
Các bảo tàng luôn chú trọng xây dựng quy trình bảo quản hiện vật phù hợp với từng chất liệu, đặc biệt chú trọng đối với việc bảo quản bảo vật quốc gia, song song với việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ bảo quản đối với cán bộ làm công tác bảo quản hiện vật. Đối với hiện vật là bảo vật quốc gia, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng hiện vật, có phương án bảo vệ, bảo quản theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch.
Trong những năm gần đây, các bảo tàng đã chủ động đổi mới nội dung và hình thức trưng bày ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác trưng bày, áp dụng kỹ thuật thiết kế đồ họa, sử dụng những vật liệu mới trong thi công tủ, bục bệ, vách ngăn, hệ thống chiếu sáng…Việc chủ động tiếp cận, tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động trưng bày tại các Bảo tàng thời gian qua đã tạo được nét hấp dẫn và dấu ấn riêng như một số chuyên đề trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thành phố, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Tôn Đức thắng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh...
Bên cạnh các chuyên đề trưng bày và triển lãm tại chỗ, các cuộc trưng bày, triển lãm lưu động phục vụ công chúng ở vùng sâu, vùng xa với nhiều nội dung phong phú, góp phần quảng bá, giới thiệu hoạt động để thu hút đông đảo công chúng đến với bảo tàng, đưa được các bộ sưu tập đến với công chúng.
Các bảo tàng đã tích cực trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giáo dục, truyền thông như: Phát huy tối đa lợi thế của các mạng xã hội nhằm quảng bá các hoạt động của bảo tàng; xây dựng các trang thông tin, trang web của bảo tàng; Từng bước hình thành bảo tàng 3D, bảo tàng trực tuyến… Hướng dẫn tham quan; xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường, tại bảo tàng tạo cho các em học sinh được trải nghiệm, thêm tri thức về lịch sử, về di sản văn hóa, dễ nhớ, dễ học.
Các bảo tàng quan tâm chú trọng đăng tải các hoạt động chuyên môn, các sự kiện kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước lên Website, fanpage của Bảo tàng; Đăng tải những câu chuyện, sự kiện tiêu biểu trong hoạt động của bảo tàng, câu chuyện kể về hiện vật của Bảo tàng và những câu chuyện kể về các Bảo vật Quốc gia và các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng…