Biểu diễn nghệ thuật truyền thống góp phần thu hút khách du lịch đến với Thành Nhà Hồ - Ảnh: Khôi Nguyên
Cùng với công tác quản lý và bảo vệ, bước chuyển lớn nhất của Thành Nhà Hồ chính là những phát hiện mới trong công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu từng bước làm sáng tỏ những bí mật về kỹ thuật xây thành đá của ông cha ta cách đây hơn 6 thế kỷ. Kinh đô Nhà Hồ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV được đánh giá là một “hiện tượng đột khởi” về kỹ thuật xây dựng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thì tính “đột khởi” ấy không gì khác là việc sử dụng các khối đá khổng lồ được gắn kết với nhau, với một quy trình kỹ thuật xây dựng hoàn hảo. Từ việc tìm nguyên liệu, khai thác, vận chuyển, chế tác, đến xây xếp để vừa đạt công năng quân sự, vừa đảm bảo các yêu cầu mỹ thuật, ở thời điểm bấy giờ, quả thực là một kỳ công, cũng là một bí ẩn chưa có thực nghiệm chứng minh. Ngày nay, với sự góp sức của khoa học kỹ thuật, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục, nhằm lý giải cho nguồn gốc đá xây thành và các công trường khai thác, chế tác đá xây thành tại núi An Tôn (xã Vĩnh Yên), núi Xuân Đài, núi Nhà Rồng, núi Tiến Sĩ (xã Vĩnh Ninh). Đồng thời, với việc khai quật, nghiên cứu gần 5.000m2 di tích hào thành phía Nam và hào thành phía Bắc, các di vật tìm được cũng cho thấy địa điểm này từng tồn tại các công trường tập kết, chế tác tu chỉnh đá, có diện tích lên đến hàng chục nghìn m2.
Với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, bảo tồn quốc tế Thụy Sỹ, gần đây nhất, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện được 24 dấu tích kỹ thuật (các rãnh đục) còn lưu lại trên các phiến đá tường thành, như là minh chứng về kỹ thuật khai thác và chế tác đá thời Hồ. Từ đó, các bí mật về kỹ thuật xây dựng tường thành đá lớn, kỹ thuật gia cố móng, nền xây tường thành, việc sử dụng chất kết dính trong quá trình xây dựng tường thành, dấu tích tu sửa tường thành qua các thời đại... cũng bước đầu đem lại những nhận thức khoa học mới. Đặc biệt, dự án khai quật khảo cổ cổng Nam năm 2011 đã phát lộ con đường Hoàng Gia nối từ thành Nội đến đàn tế. Đây được xem là con đường đá đẹp nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn của di sản cho đến ngày nay. Cùng với con đường Hoàng Gia, các kiến trúc cấp nền đàn tế, nền móng, tường đàn, đường thần đạo, thần trù, thần khố, các loại cống thoát nước, mộ táng động vật trấn yểm, các công trình phòng thủ Ủng thành... cũng được phát hiện, góp phần lý giải và khẳng định những giá trị to lớn của di sản Thành Nhà Hồ.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi khi Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh chưa lâu, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, cho rằng: Nhìn vào Thành Nhà Hồ ta có thể “đọc” được nhiều dấu hiệu để nhận biết cấu trúc của kinh thành thời Lý – Trần. Đồng thời, lối kiến trúc ba vòng thành của kinh thành Huế cũng được tìm thấy ở Thành Nhà Hồ. Đó là những nét tương đồng trên bình diện thời gian lịch sử và kiến trúc nghệ thuật giữa các kinh thành trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Dẫn dắt điều này, bởi vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở đây là chiến lược đầu tư xây dựng Thành Nhà Hồ trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa – với tư cách Cố đô Nhà Hồ, giống như Cố đô Huế hay thủ đô Hà Nội hiện nay. Trong khi Huế và Hà Nội đều là những trọng điểm du lịch quốc gia, với chiến lược phát triển du lịch bài bản và hiệu quả, thì Thành Nhà Hồ phải bước một bước rất dài nữa mới có thể bắt kịp hai trung tâm di sản lớn của Việt Nam. Sau 5 năm, với nhiều chương trình trọng điểm liên quan đến phát triển di sản Thành Nhà Hồ đã được triển khai, bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản trên nhiều phương tiện truyền thông, song con số khoảng 100.000 lượt khách tham quan, quả thật vô cùng khiêm tốn đối với một di sản văn hóa thế giới.
Trong lễ kỷ niệm 5 năm Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã một lần nữa nhấn mạnh: Nhân dân Thanh Hóa vô cùng tự hào khi có được di sản văn hóa thế giới trên quê hương mình, nhưng trách nhiệm đặt ra cho Thanh Hóa cũng rất lớn, không chỉ đối với nhân dân cả nước, mà còn cả cộng đồng quốc tế. Thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các cam kết với UNESCO, Thanh Hóa cần mở rộng hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ và kêu gọi sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như: Nghiên cứu xây dựng Công viên khảo cổ học quốc tế theo khuyến cáo của các nhà khoa học; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, quảng bá di sản. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”, tạo tiền đề cho việc phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững, xứng với vai trò là một trong những gương mặt đại diện cho văn hóa và tinh hoa trí tuệ Việt Nam trong kho tàng văn hóa nhân loại.