Thanh Hóa: Tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật, đồ thờ tại các di tích

06/03/2024 08:57

Theo dõi trên

Là tỉnh có số lượng di tích lớn nên việc quản lý, bảo vệ cổ vật, đồ thờ tự tại di tích được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng. Trong đó, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật, đồ thờ tự hoặc việc tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định.

177d0110149t43209l0-17096283694431410209032-1709690214.jpg
Nhiều hiện vật tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân) được trưng bày bằng hình ảnh phục vụ Nhân dân và du khách tham quan, tìm hiểu.

Thọ Xuân là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn trên địa bàn tỉnh, với hơn 250 di tích, địa điểm di tích đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn. Những năm qua, huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, nhất là hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Di sản văn hóa, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 23/8/2021 và Văn bản số 4730/UBND-VX ngày 8/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng với đó, huyện huy động nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích.

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh với số lượng hiện vật, đồ thờ tự lớn, trong đó có 5 bảo vật quốc gia gồm: bia Vĩnh Lăng (bia ghi thân thế sự nghiệp vua Lê Lợi); bia Khôn Nguyên Chí đức (bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao); bia Chiêu Lăng (bia vua Lê Thánh tông); bia Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến tông); bia Kính Lăng (bia vua Lê Túc tông). Đây là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học nên được bảo vệ và bảo quản theo chế độ “đặc biệt”. Ban Quản lý di tích cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ bảo vật quốc gia nói riêng, di tích nói chung.

Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán cho biết: “Trong những năm qua, cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, ban quản lý đặc biệt chú trọng công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, đồ thờ tự tại khu di tích. Đối với khu vực hiện đang bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trong khu di tích chúng tôi đều lắp đặt camera giám sát và có hàng rào kỹ thuật bằng gỗ, có biển báo hướng dẫn du khách tham quan nhằm tránh những tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến hiện vật. Riêng bia vua Lê Túc tông hiện đang nằm ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc), được ban quản lý phối hợp chặt chẽ với Nhân dân và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi đều tiến hành kiểm kê toàn bộ hiện vật tại khu di tích và bố trí nhân viên túc trực tại các khu vực thờ tự, dâng hương để quản lý, hướng dẫn khách tham quan”.

Còn tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập) hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Lệnh chỉ, địa tự, hương án, chóe, đĩa, bát cổ, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ năm 1674 đến 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua nhà Tống tặng vua Lê Đại Hành. Cùng với đó, bên trong đền còn có hai tấm bia đá cổ, một bia nhỏ dựng năm 1601 do Phùng Khắc Khoan soạn khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê; tấm bia thứ 2 soạn năm 1626 là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bi” khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì. Tuy nhiên, ngoài 2 tấm bia đá cổ, các hiện vật như hương án, đĩa, bát cổ, sắc phong... và đặc biệt là chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng đã được địa phương bảo quản chặt chẽ tại phòng riêng, bảo mật bằng nhiều lớp cửa.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Tống Cảnh Tiến cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, một số hiện vật tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn được bảo vệ, cất giữ tại khu vực riêng nhằm tránh hư hỏng hay bị xâm hại từ thời tiết và con người. Tuy nhiên, các hiện vật được cất giữ đã được trưng bày bằng hình ảnh tại đền thờ Lê Hoàn, phục vụ Nhân dân và du khách trong việc tham quan, tìm hiểu di tích. Cùng với đó, xã cũng bố trí 2 thủ từ thường xuyên trông coi, bảo vệ di tích và hướng dẫn Nhân dân, du khách đến dâng hương, vãn cảnh hàng ngày”.

Có thể nói, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng dân cư nơi có di tích. Đến nay, nhiều di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp Nhân dân, đồng thời quảng bá sâu rộng về hình ảnh đất và người xứ Thanh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số địa phương, công tác quản lý di tích vẫn còn thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh tình trạng lộn xộn, phức tạp, ảnh hưởng đến di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Trong đó nổi cộm là tình trạng đưa các hiện vật, đồ thờ, nội thất không phù hợp vào di tích và mất cắp di vật, cổ vật, gây ảnh hưởng tới giá trị và việc gìn giữ yếu tố gốc, giá trị văn hóa - lịch sử của di tích. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 23/8/2021 và Văn bản số 4730/UBND-VX ngày 8/4/2022, yêu cầu các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng có liên quan và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Theo Báo Thanh Hóa
Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật, đồ thờ tại các di tích" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.