Thanh Hóa: Di tích lịch sử cấp Quốc gia bị xâm phạm

17/10/2016 17:06

Theo dõi trên

Năm 1994 hang Treo được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nằm trong quần thể khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo. Tuy nhiên, hiện nay di tích hang Treo lại đang dần bị lãng quên và có dấu hiệu bị chiếm dụng.

Hang Treo - Nơi lưu giữ lại nhiều chiến công hào hùng của quân, dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Pháp trước Cách mạng tháng 8/1945.


 Khu vực cửa vào hang Treo bị lấn chiếm thành trang trại chăn nuôi

Đầu những năm 1940 dưới sự lảnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh chống giặc Pháp nổ ra khắp nơi từ Bắc đến Nam, các đội du kích yêu nước ngày một lớn mạnh trên khắp mọi miền đất nước. Hòa chung ngọn lửa yêu nước, đêm 19/9/1941 tại hang Treo, Đội du kích vũ trang chiến khu Ngọc Trạo được thành lập, gồm 21 chiến sĩ ưu tú tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, đánh dấu bước phát triển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang mới trên toàn tỉnh.

Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo là một sự kiện lớn đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cánh mạng Thanh Hóa. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, phong trào đấu tranh chống lại đế quốc xâm lược ngày càng lớn mạnh và lan rộng ra các địa phương đỉnh cao là phong trào khởi nghĩa vũ trang ở Bắc Trung Bộ  góp phần vào sự thành công của Cách mạng tháng 8/1945 dành chính quyền về tay nhân dân.

Năm 1994 Khu di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo, trong đó có hang Treo được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là một quyết định kịp thời, nhằm bảo tồn những giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước.

Buông lỏng trong việc quản lý di tích

Nếu Khu Di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo được quan tâm đầu tư xây dựng xứng tầm thì hang Treo nằm trên địa giới của xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành) và xã Hà Long (huyện Hà Trung) lại không nhận được sự quan tâm đầu tư xứng đáng.



 
Cửa vào hang Treo quá nhếch nhác
 
Hang Treo có hai cửa vào, một cửa phía xã Thành Tâm và một cửa của xã Hà Long. Để vào được hang Treo, du khách phải di chuyển trên con đường nhỏ, đất đá lởm chởm, chật hẹp. Thực tế vẫn chưa có con đường chuẩn để du khách di chuyển từ trung tâm Di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo tới khu vực cửa hang Treo thuộc xã Thành Tâm. Chính vì không có đường đi nên mỗi lần du khách đến với Chiến khu Ngọc Trạo hầu hết đều không đến hang Treo.

Theo ghi nhận, hang Treo không nhận được sự quan tâm xứng tầm với một di tích cấp Quốc gia. Tại cửa hang cây cỏ mọc um tùm, che kín lối vào, không có biển báo điểm nhấn lịch sử, các mốc sự kiện cũng không có, biển chỉ dẫn giao thông cho di tích chỉ có một biển ở ngã ba đoạn giao với tỉnh lộ 522.

Ngoài ra, nhiều năm trở lại đây, phía khu vực cửa hang thuộc địa giới xã Hà Long xuất hiện một trang trại gà, trồng một số loại rau và cây ăn quả với hệ thống chuồng trại, có quy mô lớn.

Cửa hang nằm trong khuôn viên của trang trại, lối vào cửa hang đã bị chắn bởi một hàng rào dây thép gai và một cổng sắt luôn được khóa. Mỗi khi có đoàn khách đến thăm quan, muốn vào cửa hang phải có sự đồng ý chấp thuận của chủ trang trại thì mới mở cửa cho vào.

Cần một giải pháp mới

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết diện tích đất trang trại ngay phía trước cửa hang Treo mặc dù thuộc địa giới xã Hà Long nhưng quyền sử dụng đất lại thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Huyện Hà Trung và xã Hà Long không phải là đơn vị cho thuê đất.



 
Hang Treo một điểm di tích nằm trong quần thể Khu di tích Lịch sử cấp Quốc gia chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm
 
“Do đó, di tích hang Treo trước giờ đều thuộc sự quản lí của huyện Thạch Thành” - ông Nguyễn Xuân Dũng nói.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, cho biết Sở đã giao việc quản lý Khu Di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo cho UBND huyện Thạch Thành. Tuy nhiên, do hang Treo nằm trên địa giới hai huyện Thạch Thành và Hà Trung, vùng đất trên lại thuộc quyền quản lý của Lâm trường Thạch Thành do vậy đã nảy sinh  sự chồng chéo.

“Sở đã có văn bản chỉ đạo huyện Thạch Thành phối hợp với phòng, ban chức năng của sở, huyện Hà Trung và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành giải quyết rõ vấn đề này” – ông Nguyễn Xuân Thanh, cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Sở cũng cử đoàn công tác tới kiểm tra thực tế, từ đó lấy cơ sở để báo cáo, đề xuất những giải pháp với UBND tỉnh. Theo đề xuất của huyện Thạch Thành, trước mắt sẽ tập trung xây dựng con đường dẫn từ khu trung tâm của di tích tại xã Ngọc Trạo tới cửa hang thuộc xã Thành Tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tham quan và phát huy tốt nhất giá trị của di tích.

“Việc xâm hại di tích sẽ được các cơ quan chức năng, các địa phương vào cuộc làm rõ và sẽ có câu trả lời trong thời gian tới” – ông Nguyễn Xuân Thanh nhấn mạnh.

(Theo Báo Tổ Quốc)

Lô Giang - Nguyễn Quý
Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Di tích lịch sử cấp Quốc gia bị xâm phạm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.