
Di tích bia phủ Cảnh.
Theo lời kể, làng phủ Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương ngày nay, thời Lê là nơi được chọn để xây dựng văn chỉ thờ đức thánh Khổng. Vì thế miếu thờ này gọi là “Văn thánh Phủ Cảnh”. Thời Lê Mạt, văn thánh phủ Cảnh không được chú trọng như trước nữa. Đến nhà Tây Sơn, vua Quang Trung chủ trương chấn hưng Nho giáo, mở mang việc học xuống tận xã, thôn. Vì thế, ngoài văn miếu cả nước, các văn thánh tỉnh, phủ, văn chỉ hàng huyện, hàng xã đều được coi trọng, sửa sang.
Vào cuối năm Đinh Tỵ (1797), trấn thủ Nguyễn Quang Bàn xét thấy văn thánh phủ Tĩnh Gia gồm 3 huyện Ngọc Sơn, Nông Cống, Quảng Xương bị hư hỏng, nên ông cho làm lại với quy mô lớn hơn. Quy mô kiến trúc văn thánh phủ Cảnh gồm: Tẩm miếu 5 gian. Trong tẩm miếu thờ đức thánh Khổng, bốn vị cao đồ và 72 học trò giỏi. Ngoài tiền đường, gian giữa đặt hương án thờ các bậc tiên nho trong phủ hạt, hai bên chải chiếu làm nơi hội họp của các quan chức làng văn. Tiền đường mở ra sân vuông lát gạch, cổng vào một cửa; hai bên sân có hai nhà giải vũ, chỗ làm việc của giám thủ, phó giám thủ và sái phu. Ngoài ra còn tạc hai tấm bia dựng trên sân, hai bên tả hữu để ghi lại sự kiện này.
Được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1998, di tích lịch sử bia phủ Cảnh xã Quảng Yên (Quảng Xương), đã và đang là một điểm tín ngưỡng, thu hút đông đảo người dân đến đây thực hành nghi lễ. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, cùng với nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con trong xã, từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, di tích được trùng tu, tôn tạo.