Thăng trầm nghề dệt đũi Nam Cao

25/11/2014 16:36

Theo dõi trên

Xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thành phố Thái Bình, nổi tiếng khắp nơi với nghề dệt đũi. Không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, nghề dệt đũi còn giúp cho nhiều hộ dân nơi đây làm giàu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề dệt đũi ở Nam Cao lại có dấu hiệu suy giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Thiên Ðịnh, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết: Từ năm 1995 – 2007 là giai đoạn phát triển mạnh nhất của nghề dệt đũi, khăn tơ tằm, khi ấy gần như 100% số hộ gia đình làm nghề này. Hiện nay, trên toàn xã chỉ còn 20% trong tổng số hơn 2.000 hộ gia đình còn làm nghề dệt đũi, khăn tơ tằm truyền thống của địa phương.


Hiện nay, xã Nam Cao có 10 thôn như Cao Bạt Ðoài, Cao Bạt Trung, Nam Ðường Ðông… tất cả các thôn này đều hoạt động sản xuất nghề dệt đũi và khăn tơ tằm. Thời kỳ phát triển, toàn xã có hơn 5.000 máy dệt đũi, trung bình 1 hộ có từ 2 – 3 máy, đến nay đã giảm xuống chỉ còn gần 500 máy. Thôn Nam Ðường Ðông trước đây là thôn có nhiều hộ làm nghề dệt đũi, khăn tơ tằm trong xã, có đến 95% số hộ làm nghề. Hiện nay, toàn thôn có 230 hộ, trong đó chỉ còn hơn 40 hộ còn làm nghề dệt đũi và khăn tơ tằm. Chị Liễu thôn Nam Ðường Ðông cho biết: Trước đây, gia đình có 5 máy dệt đũi, khăn tơ tằm bán công nghiệp, nhưng hiện nay, giảm xuống còn 3 máy. Thời kỳ nghề dệt đũi của địa phương phát triển, trung bình một ngày một chiếc máy dệt được 40m vải, mang lại thu nhập cho người lao động từ 200 – 300 nghìn đồng/ngày, nhưng hiện nay số lượng này giảm xuống chỉ còn 1/3 so với trước đây. Nguyên nhân khiến nghề dệt đũi ở xã Nam Cao suy giảm là do nguyên liệu đầu vào như tơ tằm, tổ kén ngày càng khan hiếm và giá thành tăng cao. Nếu như trước đây, 1kg tơ tằm có giá 100.000 đồng/kg thì đến nay tăng lên 1 triệu đồng/kg. Hơn nữa, các vùng ươm tơ, nuôi tằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho địa phương như xã Bách Thuận, Hồng Lý (huyện Vũ Thư), hiện không còn phát triển mạnh, nên nguyên liệu tơ tằm ngày càng trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, một số thị trường tiêu thụ quen thuộc như Thái Lan và các nước Tây Á không còn nhu cầu về sản phẩm vải đũi, khăn tơ tằm như trước. Ðây là những nguyên chính khiến nghề dệt đũi, khăn lụa tơ tằm của xã Nam Cao suy giảm mạnh trong những năm gần đây.



Công đoạn quay tơ dệt đũi, khăn tơ tằm ở Nam Cao.

Theo anh Bùi Quang Tín, thôn Cao Bạt Ðoài, chủ cơ sở thu mua các sản phẩm vải đũi, khăn lụa tơ tằm của các hộ làm nghề trong xã cho biết: Thời kỳ nghề dệt đũi ở Nam Cao phát triển mạnh kéo theo đó là sự nhộn nhịp trong hoạt động thương mại, dịch vụ. Khi ấy, toàn xã có 6 doanh nghiệp và hơn 20 cơ sở chuyên thu mua sản phẩm từ nghề dệt đũi, khăn tơ tằm của các hộ làm nghề để xuất khẩu sang các thị trường như Lào, Thái Lan và các nước Tây Á. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn xã chỉ còn 5 – 6 cơ sở thu mua sản phẩm còn hoạt động. Nếu như trước đây, trung bình 1 tháng cơ sở của anh Tín thu mua được hơn 10 vạn mét vải đũi và khăn tơ tằm, thì bây giờ chỉ mua được 3 vạn mét vải/tháng, vì vậy lợi nhuận từ nghề buôn, bán vải đũi và khăn tơ tằm cũng giảm nhiều so với trước.

Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt đũi ở Nam Cao có lúc phát triển, có lúc lại suy giảm, nhưng ở bất kỳ giai đoạn khó khăn nào người dân nơi đây đều biết vượt qua để duy trì và phát triển nghề truyền thống đã từng mang lại danh tiếng, thu nhập cho vùng đất này. Hiện nay, UBND xã Nam Cao đang thực hiện nhiều giải pháp như khuyến khích các hộ gia đình khôi phục lại hoạt động sản xuất, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào ổn định, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời chủ động tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới. Thời gian tới, với sự nỗ lực của chính quyền cũng như của người dân nơi đây, hy vọng nghề dệt đũi của xã Nam Cao sẽ phát triển mạnh trở lại, góp phần lưu giữ và phát triển nghề truyền thống có từ lâu đời ở địa phương.

KN (Nguồn: Báo Thái Bình)/Làng Việt Online

Bạn đang đọc bài viết "Thăng trầm nghề dệt đũi Nam Cao" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.