Tháng Tám về Vũng Chùa tri ân Đại tướng
23/08/2018 15:59
Trên đường thiên lý Bắc - Nam có một địa danh mà bất kỳ ai đi ngang qua đều có ý nguyện ghé lại, đó là Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giờ đây, nơi này đã trở thành điểm hành hương tâm linh của người dân khắp mọi miền trong cả nước.
Vũng Chùa - Đảo Yến
Mảnh đất linh thiêng đón người con kiệt xuất
Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang (ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 6km về hướng Đông Nam, cách quốc lộ 1A khoảng 3km là Vũng Chùa - Đảo Yến.
Tên gọi Vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như “vũng”, từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn lại nền móng. Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng lại kín gió. Nơi đây thế núi hùng vĩ, thế đất dáng tựa rồng cuộn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển, với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, biển trời hiền hòa, người dân chất phác, thân thiện, can trường.
Có địa thế cong hình cánh quạt, Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (hay còn gọi là Đảo Yến). Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đảo Yến rộng khoảng 10ha cách bờ khoảng 1km, vẻ đẹp hoang sơ, như bức bình phong nổi lên giữa biển, giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn.
Vùng biển Hòn La nổi tiếng với những sản vật dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài “cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư, là những sản vật ngày xưa được mang đi cung tiến triều đình.
Vùng đất này được người dân nơi đây coi là linh thiêng bởi tương truyền năm xưa, vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tế tạ ơn đất trời.
Từ trước năm 2013, Vũng Chùa - Đảo Yến vẫn còn là một địa danh khá xa lạ, ít người đến, cho đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn nơi này làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Vũng Chùa trở thành một trong những điểm đến mơ ước của nhiều người.
Tháng 10/2013, ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê mãi mãi, như câu nói dung dị của Người lúc sinh thời “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Với nhãn quan chính trị, quân sự lỗi lạc của một vị tướng tài ba, một đời xông pha trận mạc nhưng cũng rất nhân văn, đậm cốt cách anh Văn, Đại tướng quyết định chọn Mũi Rồng, Vũng Chùa - Đảo Yến, đất hội đủ các yếu tố: bối sơn (lưng dựa vào núi), diệp thủy (trước mặt là nước), hướng dương (nhìn ra phía mặt trời, hướng ra biển lớn).
Mũi Rồng, Vũng Chùa, đất “ngọa hổ tàng long”, “voi chầu hổ phục”, đầu dựa vào dãy Hoành Sơn, lưng chập chùng các dãy núi đá kéo dài. Từ Mũi Rồng nhìn ra, Vũng Chùa rộng mở dưới chân, xa hơn là biển Đông bao la hòa vào Thái Bình Dương, thế tựa vào ba hòn đảo chân kiềng vững chãi: Hòn Yến, Hòn Gió, Hòn La. Đất linh thiêng trước biển mở rộng vòng tay đón lấy người con kiệt xuất của quê hương, đất nước trở về rất đổi bình dị, thân thương.
Tháng 10/2013, sau Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình có thêm một lực lượng “đặc biệt”: Đội công tác bảo vệ phần mộ Đại tướng.
Phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến
Hiện Vũng Chùa - Đảo Yến là địa chỉ thường xuyên được đông đảo du khách lựa chọn đến viếng, thắp hương tri ân Đại tướng không chỉ vào các dịp lễ, Tết mà quanh năm, bất kể ngày mưa, tháng nắng.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, một người con quê hương Lệ Thủy, là học giả có nhiều công trình nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi lần có dịp đến viếng, thắp hương trước mộ Đại tướng, lòng ông vẫn cứ nghẹn đắng, rưng rưng: Vẫn biết quy luật sinh lão bệnh tử là hữu hạn, nhưng Đại tướng, vị Tổng Tư lệnh, người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đi, đã để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho triệu triệu con tim của người dân đất Việt và bạn bè trên toàn thế giới.
Với lượng khách hàng ngày đến viếng mộ Đại tướng rất đông, có ngày cao điểm lên đến hàng vạn người, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác bảo vệ phải thường trực 24/24 giờ, đảm nhận nhiều công việc: Tiếp đón, đăng ký, hướng dẫn các đoàn khách; giúp đỡ người già, em nhỏ, thương binh, cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu từ mọi miền của Tổ quốc về viếng; tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực và khuôn viên khu mộ; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn và chính quyền địa phương làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn; cùng lực lượng công an làm nhiệm vụ phân luồng, điều hành phương tiện vào khu vực mộ bảo đảm thông thoáng...
Đại úy Đồng Thanh Hải - Đội trưởng Đội công tác bảo vệ phần mộ Đại tướng (Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình) tâm sự: “Xác định trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mình, gần 5 năm qua, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ là trách nhiệm trước Đảng, trước Quân đội và Nhân dân mà chúng tôi thầm hứa trước anh linh Đại tướng sẽ mãi mãi canh giấc ngủ cho Người luôn bình yên. Công tác hướng dẫn các đoàn khách đến viếng luôn chu đáo, lịch sự, trang nghiêm. Hình ảnh người lính biên phòng đã để lại dấu ấn đậm nét cho những ai một lần đến với Vũng Chùa - Đảo Yến”.
Tính đến hết tháng 7/2018, đã có trên 442.756 đoàn khách trong nước và quốc tế với hơn 5.791.996 lượt người đến viếng mộ Đại tướng
Người về mang đến ân tình
Đã gần 5 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa - Đảo Yến, hàng triệu đồng bào trong cả nước hội tụ về đây đã làm thay đổi một vùng quê nghèo khó dưới chân Đèo Ngang. Cuộc sống của người dân hai bên mái Đèo Ngang từng ngày đổi thay nhờ vào những dịch vụ phục vụ du khách thập phương.
Đèo Ngang vẫn vậy, vẫn cỏ cây chen đá, lá chen hoa nhưng không còn hình ảnh người dân lầm lũi bên những mé rừng như thuở trước. Thay vào đó là những mẹ, những cô dì, những cháu nhỏ được ăn mặc tươm tất, với những gánh hoa tươi vàng óng hai bên đường, hòa trong dòng người bất tận đổ về viếng hương hồn Đại tướng.
Chị Trần Thị Lành, nhà ở thôn Minh Sơn nói: “Từ ngày Bác Giáp về, chúng tôi không lên núi kiếm củi nữa mà mở quầy bán hoa tươi cho bà con viếng mộ Bác. Thu nhập của gia đình ổn định, đủ lo cơm nước hàng ngày còn có tiền cho con cái ăn học. Bác Giáp về đây giúp cho nhiều phận nghèo đổi đời, không còn vất vả như trước nữa ”
Ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Từ khi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp về an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, đã có hàng triệu lượt du khách thập phương về viếng mộ Đại tướng. Xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch vùng đất nghèo dưới chân Đèo Ngang đang đổi thay từng ngày nhờ vào ân uy của Đại tướng. “Người nghèo, người già, trẻ con thì bán hoa tươi, hàng lưu niệm; người có thêm ít vốn, có sức khỏe thì mở nhà hàng, khách sạn… Ai cũng ăn nên làm ra. Từ khi Đại tướng về đây, vùng đất này được tiếp thêm linh khí, trĩu nặng ân tình”.
Đứng trên đỉnh núi Thọ Sơn, nhìn ra bốn bề trời biển, một không gian bình yên và khoáng đạt, có thể cảm nhận được phần nào lý do Đại tướng chọn nơi đây để yên giấc ngàn thu. Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: “Vũng Chùa là một vùng đất thiêng, linh khí hội tụ, núi non hùng vĩ, sóng biển hiền hòa, người dân thân thiện, bởi vậy cùng với thắng cảnh đèo Ngang, đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa đã tạo thành một tuyến du lịch tâm linh đầy sức thu hút, không chỉ phong cảnh đẹp mà còn rất thiêng liêng”.
Tính đến hết tháng 7/2018, đã có trên 442.756 đoàn khách trong nước và quốc tế với hơn 5.791.996 lượt người đến viếng, dâng hương phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dự kiến trong dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 107 năm ngày sinh (25/8/1911 - 25/8/2018) và 5 năm ngày mất (4/10/2013 - 4/10/2018) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong cả nước đến viếng, dâng hương tri ân Đại tướng.
Hạnh Nhung
Theo kinhtedothi.vn
Bạn đang đọc bài viết "Tháng Tám về Vũng Chùa tri ân Đại tướng" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.