Thăm làng nghề Lồng đèn Phú Bình

10/09/2015 14:32

Theo dõi trên

Làng nghề thủ công truyền thống Phú Bình (TP. Hồ Chí Minh) có lịch sử với hơn 50 năm tuổi, mang những giá trị văn hóa dân tộc nổi bật, đậm nét tinh tế của vùng, miền. Tuy nhiên, làng đèn lồng đang đứng trước tương lại không mấy sáng sủa.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Lương Nhữ Ngọc là một con đường nhỏ tại khu phố lồng đèn nằm ở trung tâm quận 5, nổi tiếng với những hàng dãy lồng đèn rực rỡ màu sắc được bày bán, phần lớn sản phẩm đều là hàng thủ công các chủ hộ buôn bán tự làm. Ngoài ra, con đường dẫn vào giáo xứ Phú Bình thuộc quận 11, nơi có làng nghề làm đèn lồng thủ công lâu đời, thời hoàng kim có đến trên 100 hộ hành nghề.


Sự sa sút của làng nghề

Nghề làm lồng đèn xóm đạo Phú Bình đã lan ra các vùng lân cận của các quận 5, quận 11, quận Tân Bình và một số nơi khác, trở thành nơi sản xuất lồng đèn nổi tiếng lớn nhất TP. Hồ Chí Minh, nơi cung cấp lồng đèn lớn nhất cho khắp miền Tây, miền Nam và miền Trung. Nghề làm lồng đèn truyền thống ở Phú Bình phát triển trong một khoảng thời gian khá dài, bắt đầu từ năm 1954, nhưng có thể nói rằng nghề làm đèn lồng truyền thống ở Phú Bình phát triển cực thịnh trong vòng 10 năm (1980 – 1990) thì bắt đầu sa sút dần dần. Kinh tế phát triển, nhiều hàng hóa từ bên ngoài đổ vào trong đó có những mặt hàng phục vụ trung thu khiến cho chiếc lồng đèn thủ công giấy kính trở nên lép vế.

Nghề làm lồng đèn truyền thống thủ công Phú Bình cũng giống như nhiều làng nghề lồng đèn khác trong cả nước. Quy trình để tạo nên một sản phẩm được bắt đầu từ việc thu mua nguồn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chủ yếu dùng để làm lồng đèn thường là: Lồ ô, tre, nứa... thường được các chủ cơ sở sản xuất thu mua từ các vùng ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn… ngoài ra còn được thu mua từ các miền quê thuộc tỉnh lân cận miền Tây hoặc vùng Đông Nam bộ.

Không giống như ngày xưa, ngày nay các cơ sở sản xuất thường không ngâm nguyên vật liệu mà chỉ phơi khô rồi chẻ và vót thành nan, sau đó các nan được tạo khung. Đối với các nguyên liệu khác như kẽm, giấy, giấy kiếng, vải, hồ dán, keo dán, màu vẽ… thì rất dễ dàng được tìm thấy, chủ yếu được mua từ các chợ đầu mối chuyên bỏ sỉ và lẻ như chợ Lớn, chợ Bình Tây…

Các công đoạn chế biến và hoàn thiện một sản phẩm lồng đèn được chia ra làm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và tốn nhiều thời gian, một “con đèn” ít nhất cũng phải đến 10 công đoạn mới hoàn thiện. Thời gian hoàn thiện cho mỗi sản phẩm cũng rất nhiều, đối với loại lồng đèn nhỏ một người làm cả ngày đêm tối đa chỉ đạt khoảng 20 chiếc, còn đối với những loại lồng đèn cỡ lớn, lạ có khi phải mất gần hai ngày với ba công lao động và nhiều hơn.



Trong thời phát triển hoàng kim của xóm nghề thì các các cơ sở sản xuất theo lối dây chuyền, các thợ có kinh nghiệm hoặc lành nghề được phân công làm những công đoạn quan trọng như tạo khung, vẽ trang trí. Những khâu đơn giản thì giao cho những người không chuyên làm nếu họ muốn có thêm thu nhập. Tham gia trong quá trình làm lồng đèn, các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất ngoài việc thuê nhân công còn tận dụng và huy động đến mức tối đa nguồn nhân lực có sẵn.

Sản phẩm lồng đèn Phú Bình chủ yếu được sản xuất bao gồm lồng đèn hình rồng, quả địa cầu, hoa sen, cá, gà, bướm, thỏ, ngôi sao, con tàu, tề thiên, con vịt, con công… và biến đổi theo từng năm, hầu như năm nào cũng thấy những loại đèn mới như: lồng đèn hình xe tăng, ô tô…

Về đâu tương lai làng nghề?

Thị trường tiêu thụ của lồng đèn Phú Bình trước kia rất rộng bao gồm toàn bộ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và cả miền Trung. Hàng năm các đại lý ở các tỉnh gọi điện đặt hàng ở các cơ sở, các hộ gia đình, sau khi hoàn thành cho xe tải về lấy hàng rất nhiều. Cứ đến trước rằm tháng Tám là xe chở hàng lũ lượt nối đuôi nhau ra khỏi xóm với những lô lồng đèn chất cao. Nhiều khi các đại lý còn cử người “ăn chực, nằm chờ” tại cơ sở sản xuất để thu mua từng chiếc lồng đèn. Lồng đèn Phú Bình đã tạo được tiếng vang trên thị trường bên cạnh lồng đèn Hội An bởi chất lượng sản phẩm đẹp mắt, giá cả hợp lý, phải chăng, uy tín trong giao thương, buôn bán. Thời gian lồng đèn Phú Bình rất nổi tiếng, có thể nói đã “làm mưa, làm gió” trong suốt một khoảng thời gian dài (1980 – 1990) ở các điểm vui chơi của Sài Gòn.

Thị trường tiêu thụ lồng đèn thủ công truyền thống Phú Bình hiện nay đang ngày càng thu hẹp, èo uột, ế ẩm, không phát triển, thua lỗ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, thương hiệu lồng đèn Phú Bình ngày càng mất hút, khó có thể cạnh tranh trên thị trường đèn trung thu. Nhiều cơ sở, gia đình chuyên sản xuất lồng đèn nay đã chuyển sang làm các ngành nghề khác. Các kho, phòng trước dùng để chứa, làm đèn lồng giờ được sửa sang lại làm phòng trọ, kiốt để cho thuê... Những hộ còn giữ nghề thì luôn lo lắng cho đầu ra của sản phẩm, bởi thế nên họ không còn mặn mà với việc thiết kế, sáng tạo mẫu đèn mới.

Theo Như Bình (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Thăm làng nghề Lồng đèn Phú Bình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.