Bộ VHTTDL nhận được công văn số 1725/VHTTDL-BQLDT ngày 12/6/2015 của Sở VHTTDL thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Sau khi xem xét, Bộ VHTTDL có ý kiến như sau: Thoả thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích gồm các nội dung: tu bổ Đại đình, bình phong; xây dựng nhà khách,cổng, hành lang, nhà vệ sinh; tôn tạo sân vườn và hạ tầng kỹ thuật.
Bộ VHTTDL lưu ý một số vấn đề như: Việc nâng cốt Đại đình và sân đình cần có ý kiến đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương; Điều chỉnh giảm chiều cao của các trụ; Cần tu bổ nguyên trạng bình phong (không xây mới); Nghiên cứu, tính toán độ sâu và tiết diện móng các hạng mục, đảm bảo khả năng chịu lực và tiết kiệm kinh phí.
Hồ sơ cần bổ sung bản vẽ thiết kế khu vực tôn cao nền đình, thiết kế nhà vệ sinh và căn cứ pháp lý: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá (2009), Nghị định 98/2010/NĐ-CP; lược bỏ Nghị định 92/2002/NĐ-CP, Quy chế 05/2003/QĐ-BVHTTDL.
Bộ VHTTDL có ý kiến để Sở VHTTDL thành phố Hà Nội hướng dẫn đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện Dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Đình Phú Thứ thờ 5 vị Thành hoàng là Thuỷ Hải Long vương (1 vị thần trong truyền thuyết), Ả Lã Nàng Đê (nữ tướng của Hai Bà Trưng), Nguyễn Quý Đức (người Tây Mỗ, đỗ đầu khoa thi Đình năm 1672, làm quan Tham tụng (Tể tướng) thời chúa Trịnh, có công dẹp loạn thổ phỉ vùng biên giới phía Bắc và đã làm nhiều việc có ích cho dân làng. Ngoài ra, đình còn thờ Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính là con và cháu Nguyễn Quý Đức.
Đình Phú Thứ cùng với đền Phú Thứ được xây dựng trên khu đất cao, rộng, có vườn cây cổ thụ, xung quanh hồ sen trước mặt và giếng đình ở bên phải. Đình được kết cấu theo kiểu chữ nhị. Đại đình 5 gian, hậu cung 5 gian song song với đại đình, chính giữa bờ nóc đại đình được đắp một hổ phù đội mặt trời. Trước hai tường hồi là hai cột trụ, đỉnh trụ đắp tứ phượng kết hình lá lật. Dọc thân trụ trang trí những câu đối, các mảng đắp long, li, quy, phượng. Nền đại đình được xây theo kiểu lòng thuyền. Các gian hai bên được tôn cao hơn gian giữa để làm chỗ ngồi cho dân làng khi có hội họp. Gian giữa được dùng để đồ tự khí và làm nơi tế lễ. Đình Phú Thứ là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ cả ba người trong cùng một dòng họ, thuộc ba thế hệ nối tiếp nhau.
Cùng với đền, đình Phú Thứ đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá năm 1995.
Theo Cinet.vn