Tết đập trống của người Ma Coong giữa đại ngàn Trường Sơn

09/02/2017 15:10

Theo dõi trên

Sau Tết Nguyên đán của người Kinh, thường đến đêm trăng trong 16 tháng Giêng âm lịch là tộc người Ma Coong có Lễ hội đập trống.



Chủ lễ hội đập trống đang thực hiện nghi thức cúng Giàng - Ảnh: Báo Quảng Bình

Nguồn gốc của lễ hội

Các già bản vẫn thường kể lại cho con cháu rằng: Ngày xửa, ngày xưa ở bản Cà Roòng này dân sống rất khổ, đàn ông vấn đãi ngày ngày vào rừng săn bắn, đàn bà trùm mấn, ngực để trần ngày ngày lên rẫy phơi sương, phơi gió vô cùng vất vưởng.

Quanh năm làm lụng tất bật nhưng không đủ trái ngô, củ sắn để được no bữa. Vì đói kém, con người, con vật tranh giành nhau mỗi khi vụ mùa sắp thu hoạch. Nguy hại nhất là nhiều đàn khỉ đông đến hàng nghìn con kéo từ bốn phía núi cao tới hoành hành. Trong mỗi đàn khỉ có một con hung dữ, không chỉ đến cướp hoa trái mà còn doạ bắt phụ nữ, trẻ em khi lên rẫy một mình.

Nỗi lo sợ ấy luôn ám ảnh họ mà chưa có cách nào để đuổi được đàn khỉ quái ác ấy đi. Một hôm có một vị Già bản mang gùi lên rẫy đi hái củi đốt thì trời kéo mây đen sập xuống thấp. Bỗng có một tia chớp rạch trời sáng loà rồi tiếng sấm bất thình lình đì đùng nổ ran dây chuyền inh tai, váng óc. Khi nghe tiếng sấm, cả lũ khỉ đều hoảng sợ rầm rầm xô nhau lúc nhúc chạy vào hang làn gần đó ẩn nấp không dám ló mặt ra.

Mấy con khỉ to vì quấn dây chằng chịt vào người để dắt trái cây quá nặng mà phải chạy chậm ì ạch liền bị tiếng sét đánh chết ngay phía cửa hang, xác cháy đen thui đen thủi. Kể từ đó lũ khỉ rất sợ mỗi khi tiếng sấm dậy trời.

Vậy là Già bản nghĩ ra được cách làm tiếng sấm để hù doạ lũ khỉ mỗi khi chúng kéo đàn tràn xuống phá rẫy. Đó là dùng da con nai bịt vào một khúc cây gỗ rỗng ruột rồi dùng que gỗ đánh lên mặt da phát ra tiếng đùng đùng như sấm. Và từ đó mỗi khi trống đánh lên thì lũ khỉ cũng khiếp hồn bỏ rẫy chạy trốn. Nhờ Già bản sáng tạo ra chiếc trống sấm ấy mà từ đó năm nào rẫy nương cũng được bảo toàn, cây trái của rừng cũng thu hoạch tốt, bản luôn được mùa no đủ và cuộc sống được ấm êm hơn.

Để nhớ công lao vị Già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho quanh bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm cứ đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch, họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên Thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần dần thành một lễ hội lớn của dân tộc người Ma Coong ở đây.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong có một mâm cỗ lớn để cúng Giàng. Trong mâm cúng có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác... Mỗi bản có một mâm cúng và tập trung về một địa điểm nhất định. Người nhà của các làng, trưởng bản, người có uy tín mới được làm mâm cúng. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm (là một khúc ngăn của những con suối chảy qua xã Thượng Trạch và núi rừng Trường Sơn).

Bản sắc và những giá trị

Cùng với biết bao lễ hội từ Bắc vào Nam, miền ngược cũng như miền xuôi ở nước ta thì Lễ hội đập trống của tộc người Ma Coong tại nơi đây có sự độc đáo của nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc nhất.

Với những giá trị của nó, năm 2007, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã đưa Lễ hội đập trống vào danh sách 9 lễ hội dân gian quốc gia được phục hồi.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong mang đậm bản sắc văn hoá tộc người, trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn, thể hiện dũng khí và bản lĩnh, giúp cộng đồng người Ma Coong đoàn kết, vượt mọi khó khăn.

Người Ma Coong còn gọi lễ hội đập trống là “Đêm yêu nhau”, “Đêm thả cửa”. Giống như phiên chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang hay chợ tình Sa Pa ở Lào Cai.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong mang màu sắc văn hóa riêng, giàu tính bản địa với ý nghĩa là cầu may mắn, cầu sức mạnh để vượt qua tai họa, cầu được Giàng phù hộ, mong muốn dung hoà giữa con người với thiên nhiên.

Cho đến nay, người Ma Coong vẫn bảo tồn, lưu giữ được giá trị di sản văn hoá phi vật thể vô cùng quý báu này. Lễ hội đập trống, phản ánh niềm tin, lạc quan, cách ứng xử đặc biệt của người Ma Coong trong mối quan hệ với lực lượng siêu thiên nhiên; là nơi chứa đựng gần như tất cả các hình thức nghệ thuật vũ đạo dân gian và sử dụng hầu hết các nhạc cụ của tộc người. Đây cũng là dịp để họ cũng cố mối quan hệ và giao lưu giữa các thành viên trong cộng đồng các dân tộc anh em.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Tết đập trống của người Ma Coong giữa đại ngàn Trường Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.