Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng bên cạnh yếu tố thời tiết làm gia tăng sốt xuất huyết tại Tây Nguyên năm nay, qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy vẫn còn có tình trạng các gia đình để nhiều lốp xe phế thải đọng nước ở quanh nhà làm ổ để sinh sôi muỗi gây bệnh và các bể tôn chứa nước mở nắp không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và nhiều lăng quăng/bọ gậy phát triển.
Tây Nguyên vốn không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua, nên mức độ miễn dịch đối với căn bệnh này ở cộng đồng rất thấp. Vì thế, khi xuất hiện, dịch bị lây lan và bùng phát nhanh. Người dân ở đây phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng mùa mưa, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.
Cùng với đó, ngay từ đầu tháng 8, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm.
Ngoài 4 tỉnh Tây Nguyên, sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, gia tăng đáng kể số ca mắc tại các tỉnh khác như: An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và TP HCM.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vì thế biện pháp phòng bệnh được ưu tiên hàng đầu. Xử lý các dụng cụ chứa nước là nguồn lưu trú, sinh sôi của muỗi gây bệnh, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Cùng với đó ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
(Theo toquoc.vn)