Truyện Cô gái đầm sen như là thông điệp của cái đẹp và sự trong trắng. Chàng học trò trường Thành chung đi bên đầm sen đêm về sáng, có cô gái xinh đẹp từ đầm sen lên, xin đi cùng. Từ người cô tỏa ra mùi hoa sen, và khi cô nói thì hương sen cứ xộc thẳng vào mặt chàng. Cô gái kêu trời nóng, níu kéo chàng xuống đầm sen bơi… Cô là người, là tiên, hay là ma. Chàng kéo áo cô, cô kêu anh làm rách những cánh hoa sen rồi…
Truyện Ướt áo là cảnh cậu học trò trường tỉnh về nhà ngoại vẽ cảnh đồng quê. Ngày mưa, có cô gái hàng xóm, sang hứng nước mái ngói. Quần áo lụa của cô ướt đẫm dính sát vào người, lồ lộ thân hình… Nhìn cảnh đấy, cậu học trò vẽ được bức tranh Thiếu nữ ướt áo nổi tiếng. Truyện chỉ có thế, nhưng câu chữ phập phồng run rẩy, gợi cảm giác tinh khôi trong trẻo…
NPH là người hoài cổ. Anh dựng lại cảnh làng kỹ nữ Bến Tầm dương thời xưa. Chàng Tú tài tân khoa từ trường thi đến thẳng đây, ngồi viết những bài thơ Hát nói cho các kỹ nữ hát. Một khắc NPH đưa người đọc vào không gian mơ mộng ảo huyền. Truyện Làng cung nữ cũng thế. Bên Hồ Tây xưa có làng gồm toàn các cung phi bị thất sủng, ngày ngày chăn tằm dệt lụa. Chàng đánh cá Đan liêu, đến bán cá, quen người cung nữ Hương Ngân. Hương Ngân như con Thiên nga trên hồ muốn bay lên về với Đan Liêu mà không được. Đêm đêm tiếng gõ chài của chàng đánh cá vọng vào đầu giường lạnh lùng của người cung nữ. Rồi đến một ngày kia, vua mất ngai,làng cung nữ tan vỡ, thuyền Đan Liêu lướt đến bến đá, và Hương Ngân đã khăn gói đeo vai, chờ sẵn đấy “Chàng ơi, đem em đi…”.
Quán cơm sĩ tử là chuyện cô Kim Phụng nhà bên Trường thi, mở quán trọ, hai thầy Sở Bao và Triêu Dương đến tá túc. Ngày yết bảng thày Sở Bao đỗ Cử nhân, hẹn Phụng ngày chàng đỗ Tiến sĩ sẽ đến với nhau. Lời nói gió bay, ai mà chờ được. Thày Triêu Dương chỉ đỗ Tú tài, và lượng sức, không theo đường ‘Vạn ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thư cao “nữa, mà bàn với cô Phụng hợp sức mở Hiệu buôn tơ và nhuộm the thâm. Câu chuyện bâng khuâng, bảng lảng, ngòi bút dắt dẫn người ta vào quá vãng xa xăm.
Phần truyện hiện thực của NPH cũng thường xinh xẻo trữ tình. Bơi thuyền thúng miêu tả người đàn bà câu tôm đêm trên biển. Một mình bà với sao trời và biển đen mênh mông. Cả đời bà đã trôi qua những đêm như thế. Thật là một bài ca lao động vĩ đại…
Truyện Bức ảnh gây ấn tượng với hình ảnh người con gái Sông Lục Núi Huyền trưa hè ra sông tắm, nhô đôi vai trần sáng trắng. Những cô gái rồi già đi, nhưng có một bức ảnh đã ghi lại được vẻ đẹp thiên thần của thời thiếu nữ. Và bây giờ nhìn lại, các bà đều thổn thức nhớ lại tuổi hoa niên của mình.
Có những truyện của NPH chỉ bé bằng bàn tay, nhưng ẩn chứa một chủ đề sâu xa. Chú bé theo bác hàng xóm đi bẫy chim Ngói tháng mười, đã không giật dây Dòng úp chim, mà khoát tay, xùy cho nó bay đi. Chàng trai rút tơ cuộng Sen đan khăn quàng gửi cho người yêu ở nước ngoài, nhưng người yêu bảo bao giờ xâu được chiếc vòng cổ bằng những hạt tuyết đầu mùa thì cô mới về… Những áng văn ít chữ, nhưng có ý tưởng.
Phần Tản văn của NPH cũng khá cô đọng. Tác giả viết về con Nhạn biển, loài chim có khả năng bay như là gió, coi biển cả chỉ như ao nhà, thoắt cái đang ở Thái bình dương, đã sang Đại tây dương… Thấp thoáng chủ đề khát vọng tự do. Tác giả viết về đàn Bướm Công chúa mùa bay Di cư, vượt năm ngàn cây số, vừa bay vừa đẻ, vừa chết, con non nối tiếp lộ trình, lập trình bay có từ trong trứng. Mượn sự kỳ diệu của thiên nhiên để nói lên một cái gì đó…
Ấn tượng của cuốn sách là khả năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả, gợi cảm, bình dị. Vừa đủ, không thừa, không thiếu, không khoa trương, không lên gân. Những bài trong Khăn quàng tơ sen thấm đẫm chất thơ, có thể không bị lạc hậu theo thời gian…