Tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa - Bài 2: Tạo sự đồng thuận ngay khi soạn Luật

26/03/2024 21:37

Theo dõi trên

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra cho thấy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

a7114198538031637896078-1711463823.jpg

Tạo sự đồng thuận xã hội

Cục Di sản Văn hóa và cơ quan được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Theo Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền, thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, sớm trình Bộ VHTTDL trình Chính phủ theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh việc xin ý kiến nhân dân thông qua dự thảo Luật được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, Bộ cũng tổ chức một số Hội thảo, tranh thủ xin ý kiến thông qua các cuộc Hội thảo, Tọa đàm của các đơn vị liên quan về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Nhằm tạo sự đồng thuận trước khi dự thảo Luật được trình ra Quốc hội, mới đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, xác định tầm quan trọng của Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), để có những ý kiến, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự án luật tốt hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khâu soạn thảo.

Tại Hội nghị, đánh giá Dự thảo luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, TS Lê Thị Minh Lý (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, điều có thể nhận thấy rõ nhất sau hơn 20 năm thực hành Luật Di sản văn hóa chính là tinh thần vì di sản, vì sự phát triển của xã hội và quyền lợi của người dân.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng cần cố gắng thể hiện tinh thần này, để người dân và xã hội thấy rõ những mục tiêu chúng ta mong muốn. TS Lê Thị Minh Lý cũng lưu ý những vấn đề liên quan đến huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó tránh tình trạng để xảy ra biến tướng, lợi dụng việc tu bổ di sản mà làm tổn hại di sản.

Nêu quan điểm tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm rất tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ phục vụ quyền được hưởng thụ của người dân trong nước mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới.

Trong điều kiện hiện nay, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, nước ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa thì việc khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật này để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động sáng tạo trong việc phát huy các giá trị của di sản văn hóa.

Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, ngày nay việc bắt tay giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh…nhưng chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản.

Nếu nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật di sản văn hóa và có các quy định về chính sách đầu tư, chính sách về bản quyền… sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số mang tính ứng dụng cao trong đời sống để di sản văn hóa thật sự phát huy giá trị trong đời sống

"Trong điều kiện hiện nay, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, nước ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa, việc khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật này để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động sáng tạo trong việc phát huy các giá trị của di sản văn hóa" - GS.TS Trần Ngọc Đường đặt vấn đề.

Tạo điều kiện cho hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa

Trong buổi Tọa đàm về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào ngày 13/3/2024, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế bày tỏ kỳ vọng Luật sửa đổi sẽ có các quy định tạo điều kiện cho hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa. Thực tế tại Huế và quan sát tại nhiều địa phương cho thấy, hợp tác công tư trong lĩnh vực này rất khó triển khai.

Đây là điểm nghẽn lớn và dự thảo Luật cần tháo gỡ để khai thác các loại hình dịch vụ, phục vụ phát triển du lịch. Trong các loại hình di sản, dự thảo Luật cũng bổ sung một số khái niệm như: di sản đô thị, di sản nông thôn, di sản tự nhiên, di sản công nghiệp…

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, trên nền tảng công nghệ số, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản.

Do vậy, Luật sửa đổi cũng cần có những quy định mới để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo nền tảng công nghệ kỹ thuật số…

Bên cạnh đó, cần đảm bảo hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Ông Trương Minh Tiến, Thành viên Hội đồng tư vấn Tôn giáo (UBMTTQ thành phố Hà Nội) trong Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi) cho biết, việc quy hoạch di tích là di tích quốc gia đặc biệt hiện đang thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã phải dành quá nhiều thời gian để xin chủ trương, trình phê duyệt quy hoạch, bởi vậy khi sửa đổi cần giao Bộ VHTTDL phê duyệt quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt sau khi có ý kiến thẩm định của các Bộ ngành liên quan và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.

Có thể thấy rằng, những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý thời gian qua đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong các sự kiện do các cơ quan ban ngành tổ chức chính là những đóng góp vô cùng quý báu, trân trọng để cơ quan soạn thảo hoàn thành dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa - Bài 2: Tạo sự đồng thuận ngay khi soạn Luật" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.