.gif)
Bộ Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng) được công nhận Bảo vật quốc gia (nguồn: Cục Di sản văn hóa)
Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích như chuông, bia đá, tượng,…, các địa phương phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan văn hóa, công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm chính, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích.
Bên cạnh đó, cần kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất với cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan về các vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia khi có những diễn biến thực tế tác động tới công tác này.
Về bảo quản bảo vật quốc gia, văn bản của Bộ VHTTDL nêu rõ, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích - nơi lưu giữ/đặt bảo vật quốc gia để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.
Việc bảo quản đối với từng bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; việc thực hiện phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của các tổ chức khoa học, các chuyên gia về bảo quản căn cứ theo từng loại hình, chất liệu, tình trạng của bảo vật quốc gia. Cùng với đó là việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gắn với quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia.
Theo baodulich.net.vn