Từ thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị), chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây Trường Sơn, vượt ra đèo Sa Mù đổ xuống bản Cha Lỳ, Cợp (Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị). Hồ Văn P., người dẫn đường, vừa đi vừa cho biết: Khu vực rừng ở Hướng Lập là Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Tuy nhiên, các ngọn núi có rừng rậm hiện chỉ còn sót lại ít chỏm, đa số đã bị trọc hóa. Người dân cứ tự tiện vào khoanh từng vạt rừng rồi đốt, chờ mùa mưa xuống là gieo rẫy.
Tại nhiều vị trí cắm biển “Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Rừng đặc dụng, nghiêm cấm các hành vi xâm hại” thì nơi đó gần như rừng trọc lóc. Đang dọn dẹp khoảnh rừng vừa đốt, chị Hồ Thị H. cho biết: “Chuẩn bị dọn cỏ để trồng sắn”. Không chỉ gia đình chị H. mà nhiều người khác trong vùng cũng đang đẩy những khoảnh rừng ít ỏi vào chỗ tận diệt.
Ở vùng Cha Lỳ và Cợp - nơi được xem như sơn cùng, thủy tận, nhưng có không ít gia đình miền xuôi lên dựng quán bán hàng như bức bình phong để che mắt thiên hạ. Bên trong, họ thu mua sản vật rừng từ khu bảo tồn, mua gỗ lậu ở hai bản này. Hồ Văn P. cho biết: “Các chủ quán nói bán đồ ăn nhưng ở đây không có khách, họ chỉ đóng gùi cho lâm tặc vô rừng chặt gỗ về bán lại cho họ. Các quán này cho nợ gạo, bột ngọt, muối, nước mắm, thịt, cá, đường sữa rồi lâm tặc vô rừng chặt phá lấy gỗ về gán nợ cho họ”. Ở phía cuối bản bên bờ suối, chúng tôi thấy một nhóm thanh niên đang vác mấy chục phách gỗ vừa được xẻ thả xuống suối, họ chia nhau tẩu tán rất nhanh để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đại náo rừng Động Châu
Giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là rừng phòng hộ Động Châu với gần 20.000ha. Chính vì Động Châu còn rừng giàu nên lâm tặc hoành hành. Ông Đào Duy Đài, Trưởng trạm bảo vệ rừng số 3 (trạm Cầu Khỉ), cho biết: “Lâm tặc vừa rồi không chỉ lấy gỗ mà còn tấn công cả nhân viên trạm bảo vệ rừng nếu bị chặn đường kiểm tra”.
Theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, vượt qua địa danh Bãi Đạn vào Tiểu khu 534 thuộc rừng phòng hộ Động Châu, vượt thác dựng đứng, chúng tôi gặp ngổn ngang hiện trường khai thác gỗ của lâm tặc. Nhiều gốc cây gõ, cây lim bị đốn hạ. Theo dấu một nhóm người kéo gỗ từ Động Châu về, chúng tôi đón đường xuống suối qua bản Cợp, gặp 7 thanh niên đợi sẵn, thấy gỗ về liền bốc lên đường đất gửi hẳn vào nhà dân quanh bản mà không bị ai cản trở vì đã “mua đường” đưa gỗ về bản.
Theo dấu các chuyến gỗ vận chuyển lậu từ rừng Động Châu về tỉnh Quảng Trị, chúng tôi thấy ban đêm gỗ được chuyển ra phía Bãi Đạn (trên đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây Trường Sơn). Chị T., chủ một quán nhỏ bên đường, cho biết: “Rừng đặc dụng Bắc Hướng Hóa đã cạn gần hết. Ai cần gỗ phải qua rừng Động Châu”. Khi chúng tôi ngỏ lời nhờ mua gỗ, chị nhanh nhảu ra giá: “Gỗ dỗi giá 8 triệu đồng/m3; gỗ gõ 20 triệu đồng/m3, thêm chút tiền lo lót đường nữa là về đâu cũng được”. Chị T. còn lưu ý việc “thông đường” về phía Quảng Trị “rẻ hơn”, vì cơ quan chức năng bên đó không quản chặt.