Tấm lòng các nhà văn hướng về miền Trung

29/10/2020 21:50

Theo dõi trên

Những hoạt động hướng về miền Trung ruột thịt luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có các nhà văn, nhà thơ. Đoàn kết và chia sẻ với bà con, các nhà văn, nhà thơ đã truyền tải thông điệp nhân văn...

Mưa lũ tháng 10 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho cho các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Trước “đại hồng thủy”, văn nhân Việt Nam đã không đứng ngoài cuộc. Báo Văn nghệ, Trang web Hội Nhà văn Việt Nam, báo Thanh Niên... đã đăng tải nhiều bài viết, thơ văn của các nhà văn, nhà thơ. Hơn thế, các nhà văn, nhà thơ cả nước đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo...
 
 
Nhà văn, thiếu tá Phạm Vân Anh tham gia cứu trợ ở Quảng Trị.

“Rốn lũ” Quảng Bình và sự lan tỏa
 
Đúng là người Việt yêu nước thương nòi. Mỗi lần vùng, miền nào đó bị thiên tai, lụt bão... là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhân ái Việt Nam được nhân lên rất nhiều lần. Là tỉnh bị thiệt hại nặng nề, các văn nghệ sỹ Quảng Bình thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Quảng Bình đã phát ngay lời kêu gọi văn nghệ sỹ cả nước hướng về miền Trung. Đi đầu trong hoạt động cứu trợ đồng bào bị lũ lụt trên quê hương mình là anh chị em Tạp chí Nhật Lệ.

Các nhà văn Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Hoàng Thụy Anh dù “chân yếu tay mềm” nhưng đã vượt lũ, vào với bà con vùng ngập sâu nhất thuộc huyện Lệ Thủy, thực hiện 3 đợt cứu trợ. Trước hết là huy động tiền gia đình. Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na và em gái đã mua hơn 30 triệu tiền chăn màn tặng bà con vùng lũ. Nhà văn Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Hương Duyên đều cứu trợ bằng tiền gia đình. Các chị còn huy động sự đóng góp của bạn bè yêu quý và bạn đọc của mình chung tay. Chỉ sau ba đợt vận động, chị em Tạp chí Nhật Lệ đã huy động được gần 115 triệu tiền mặt và hơn 50 tấn hàng hóa vật dụng, thiết yếu.

Kết quả này còn có sự tham gia của anh em văn nghệ sỹ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Bắc Giang, Văn nghệ Hải Dương...

“Ai đến mới thực sự hiểu nỗi khổ cực không gì có thể tả nổi của bà con cùng lũ. Đêm qua, áp thấp, trời lạnh, nhưng nhà bà con thì lồng lộng gió. Cái chăn, cái chiếu, cái giường, đến cái tivi, cái bếp ga,... đều trôi theo con nước. Sóng gió đập vỡ tường, nhà trơ xương, gầy rộc. Biết bao giờ họ mới có một cuộc sống bình thường?”, nhà văn Hoàng Thụy Anh chan đầy nước mắt khi nói về họ.

Vì bà con vùng lũ quá khổ, mong muốn thêm được chút nào quý chút đó nên nhà văn Hoàng Thụy Anh tiếp tục kêu gọi đợt 4 chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ. “Chúng tôi muốn được tham gia hỗ trợ 20 trường hợp bị thiệt hại nặng nhất về nhà cửa và tài sản tại thôn Phú Thọ. Hy vọng được bạn đọc, các mạnh thường quân tiếp tục chia sẻ, đồng hành”, chị cho biết.

Không chỉ riêng tập thể Tạp chí Nhật Lệ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã tham gia tích cực, chủ động. Sáng 26/10, nhà văn, thiếu tá Phạm Vân Anh cho biết chị cùng bạn bè thuộc nhóm "Biên cương trong tôi" đã vận động, kết nối được 2 tỷ đồng tặng cho quân dân vùng lũ. Nhà văn Như Bình (báo Công an nhân dân) ngoài việc bán tranh góp vào chương trình cứu trợ của nhóm nhà báo Phan Thanh Phong (báo Nhân Dân); chị còn lập nhóm “Những trái tim ấm áp” và cũng đã huy động được gần 200 triệu đồng chuẩn bị về giúp dân sau lũ, trong đó có xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh quê hương chị.

Nhà thơ, đại tá Nguyễn Hữu Quý, có mặt trong những ngày mưa lũ “tàn khốc” nhất. Quê gốc Quảng Bình, nhưng trong mưa lũ anh đã đến với rất nhiều hoàn cảnh thương tâm trong mưa lũ bằng tấm lòng của bạn bè trong và ngoài nước.

Bằng những việc làm thầm lặng nhưng hiệu quả, các nhà văn đã góp phần nhân lên giá trị nhân văn Việt. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới tỏ tận lòng nhau”, hướng về miền Trung sau lụt bão bằng những hành động thấm đẫm tình người như trang viết.

Miền Nam “đi trước về sau”

Nhà thơ Trần Mai Hường (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, khi gõ lại danh sách những người yêu thương gửi tiền ủng hộ các nhà văn nữ trong chương trình “Bán sách ủng hộ đồng bào miền Trung”, chia sẻ nỗi đau nỗi cơ cực với những bà con mình, nước mắt cứ chảy. Bán sách của chính các nhà văn, nhà thơ lấy tiền cứu trợ là sáng kiến của các nhà văn nữ TP. Hồ Chí Minh.
 
 
Bộ sách "Giấc mơ sông Thương" của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành được bán để ủng hộ miền Trung
 
Được Ban Nhà văn nữ ủy nhiệm, nhà thơ Trần Mai Hường đã gửi 44 triệu đồng nhờ nhà văn Đặng Phương Nam (Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt đến trao 22 gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Hướng Hoá (Quảng Trị) trước ngày truy điệu. Chị cũng chuyển 60 triệu nhờ nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên - Huế), tới 13 gia đình Đoàn công tác cứu nạn và hy sinh, 17 gia đình có người thân mất tích do sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng.

“Các anh chị thân yêu ơi. Khúc ruột miền Trung của chúng ta đang chìm trong cơ cực, mất người, mất của, ngày ngày xem ti vi mà thương thắt lòng. Biết rằng cuốn sách của chị em em chỉ là cái cớ để các anh chị chung tay. Một lần nữa thay mặt các nữ nhà văn TP. HCM em xin đa tạ”, nhà thơ Trần Mai Hưởng rưng rưng cảm xúc và tri ân ngay những bạn đọc đồng cảm.

Tác giả trẻ Tâm An (Hà Tĩnh) khi đến nhà liệt sỹ Lê Văn Hải hy sinh ở Rào Trăng 3 trao quà của các nhà văn nữ TP. Hồ Chí Minh cho biết, anh không cầm được nước mắt. “Đứa con đầu lòng chừng 6 tuổi chưa cảm nhận được gì hồn nhiên cười đùa. Phía sau còn 2 đứa em nhỏ. Vợ Lê Văn Hải mang bầu đứa thứ 4 sắp đến ngày sinh nở. Thật không thể nào nói hết xót xa. Chỉ ước giá như làm được điều gì đó lớn lao hơn cho vợ con các anh. Tôi sẽ làm”, anh tâm sự sau khi đến nhà liệt sỹ Lê Văn Hải chia sẻ nỗi đau với gia đình.

Sáng kiến “Bán sách ủng hộ đồng bào miền Trung” từ TP. Hồ Chí Minh lan tỏa đến Hà Nội. Theo nhà văn Trần Thanh Cảnh, doanh nhân, thi sĩ Nguyễn Phúc Lộc Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Hưng có tặng cho nhóm Văn Nhân Long Biên thi phẩm “Giấc mơ sông Thương”, in khổ lớn trên giấy tốt, bìa cứng, có các bức tranh màu minh họa đặc sắc của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều và bộ ba đầu sách thơ in khổ nhỏ: “Giấc mơ sông Thương”,“Chiều” và Chân quê”.

Thơ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành lâu nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thi đàn Việt như một dòng thơ trữ tình riêng biệt, đầy hình ảnh, chan chứa tình yêu đời yêu người. Và được viết nên bằng cảm xúc của một thi sĩ đích thực với ngôn ngữ tinh tế mới lạ.
 
Nhóm “Văn Nhân Long Biên” quyết định đem toàn bộ quà tặng của doanh nhân thi sĩ Nguyễn Phúc Lộc Thành bao gồm 1.300 cuốn “Giấc mơ sông Thương” khổ lớn và 400 bộ ba cuốn thơ khổ nhỏ, gây quỹ. Toàn bộ số tiền thu được sẽ ủng bộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua. “Tất cả sách bán sẽ đều được tác giả ghi lưu niệm dòng chữ “Trái tim Tổ quốc đập nhịp miền Trung” và chữ ký tác giả. Các anh chị mua sách cũng coi như đã trực tiếp đóng góp phần nhỏ bé vào công cuộc tái thiết miền Trung thân yêu sau trận lũ lụt lịch sử”, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chân thành.
 
Sau “đại hồng thủy” 2020, để giúp đồng bào gượng dậy, những hoạt động hướng về miền Trung ruột thịt luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có các nhà văn, nhà thơ. Đoàn kết và chia sẻ với bà con, các nhà văn, nhà thơ đã truyền tải thông điệp nhân văn./.
 
Ngô Đức Hành

Bạn đang đọc bài viết "Tấm lòng các nhà văn hướng về miền Trung" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.