Tài nguyên văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc là nguồn lực to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Du lịch văn hóa từ lâu đã được coi là dòng sản phẩm du lịch quan trọng, tạo sự khác biệt và hấp dẫn khách du lịch.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mở rộng phạm vi và đối tượng của du lịch văn hóa, từ chỉ là sản phẩm đặc trưng của 1-2 vùng du lịch, Chiến lược mới xác định phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Vì vậy, mỗi một vùng du lịch phát triển một sản phẩm văn hóa dân tộc đặc thù đặc trưng cho văn hóa dân tộc theo mỗi vùng miền: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ phát triển du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc phát triển du lịch văn hóa với các giá trị của nền văn minh lúa nước và các nét sinh hoạt truyền thống đồng bằng Bắc Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ phát triển du lịch tham quan tìm hiểu các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tìm hiểu văn hóa - lịch sử; Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa biển; Vùng Tây Nguyên phát triển du lịch văn hóa khai thác các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử; Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển du lịch văn hóa sông nước miệt vườn.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Việt Nam có tài nguyên văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây nguồn lực to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn. Tài nguyên văn hóa của Việt Nam bao gồm tài nguyên văn hóa hữu hình và tài nguyên văn hóa vô hình.
Tài nguyên văn hóa hữu hình bao gồm hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tài nguyên văn hóa vô hình bao gồm hệ thống tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.
Đến nay, Việt Nam có 32 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, còn lại là 29 di sản văn hóa (5 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu).
Bên cạnh đó, Việt Nam có 40.000 di tích được thống kê, 112 di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 10.109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng 127 di tích lịch sử và bảo vật quốc gia; 395 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, còn có 4 triệu hiện vật của 179 bảo tàng cũng được xem là một phần của kho tàng di sản văn hóa.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phát triển du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 phát triển ngành Du lịch văn hóa chiếm 10-15% trong tổng số khoảng 18.000-19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch; đến năm 2030 ngành Du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Sản phẩm du lịch văn hóa đã tạo thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, những năm qua, Việt Nam đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên khai thác giá trị tự nhiên vốn có của các di sản văn hóa như du lịch tham quan di sản, di tích; tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh…loại hình sản phẩm du lịch văn hóa mới đang được đẩy mạnh đầu tư phát triển đó là du lịch tham quan và trải nghiệm các sản phẩm văn hóa sáng tạo mới như du lịch trải nghiệm nghệ thuật trình diễn (du lịch trải nghiệm lễ hội âm nhạc, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật trình diễn đương đại khác…).
Ví dụ, gần đây nhất là chương trình biểu diễn âm nhạc của nhóm Black Pink của Hàn Quốc tại Hà Nội đã kéo theo "làn sóng" tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung gia tăng đột biến, cụ thể: Agoda ghi nhận sự gia tăng hơn 10 lần về lượt tìm kiếm nơi lưu trú tại Hà Nội so với các ngày trong tuần cùng kỳ trước đó 4 tuần; số lượng tìm kiếm từ nước ngoài tới Việt Nam tăng 685% (gần 7 lần) vào những đêm nhóm nhạc nữ này biểu diễn tại Mỹ Đình.
Một xu hướng khác đang thịnh hành ở Việt Nam là sự phát triển của sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam, từ miền núi đến đồng bằng và đến vùng ven biển.
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã xây dựng Đề án "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới", Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng" để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.
Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp du lịch cả nước, sản phẩm du lịch văn hóa đã tạo thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam. Tại Giải thưởng du lịch thế giới 2022 (World Travel Awards 2022), Việt Nam được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới.
Đây là lần thứ ba Việt Nam được nhận giải thưởng này (hai lần trước vào năm 2019 và 2020). Bên cạnh giải thưởng danh giá nhất Điểm đến di sản hàng đầu thế giới ở cấp quốc gia; ở cấp tỉnh, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) lần thứ ba được vinh danh ở hạng mục Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững du lịch văn hóa
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho hay, du lịch văn hóa được ngành Du lịch xác định là loại hình du lịch quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, là sản phẩm du lịch tạo nên thương hiệu du lịch quốc gia, tạo sự khác biệt và nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam.
Vì vậy, để phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần đưa vào quy hoạch hệ thống ngành Du lịch nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch văn hóa, du lịch thông minh, hình thành các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế tiêu biểu như thành phố Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM, Cần Thơ…
Định hình và xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của từng vùng, từng địa phương, từ đó xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của quốc gia dựa trên tiềm năng và giá trị văn hóa vốn có.
Đồng thời, cần triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam và Chiến lược marketing du lịch Việt Nam, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm du lịch văn hóa để đẩy mạnh hình ảnh và định vị của thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh nghệ thuật; Xây dựng chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Cùng với đó lầ đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm khi triển khai thực hiện các chương trình đầu tư cho du lịch từ các nguồn để làm nổi bật các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch có sức cạnh tranh mang tầm khu vực và thế giới.
Tiếp tục đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật hiện đại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt phục vụ du lịch; tăng cường đầu tư kết nối và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch.
Dành nguồn lực lớn để bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian; tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông minh.
Xây dựng thành công các mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh trong du lịch để tối ưu hóa cơ chế hợp tác và chia sẻ công bằng nguồn lợi từ du lịch cho các đối tác liên quan, đảm bảo phát triển du lịch văn hóa bền vững, trong đó người dân ở địa phương là chủ thể chính trong các hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng và hoạt động văn hóa sáng tạo; tăng cường xây dựng các mô hình du lịch văn hóa cộng động hoạt động hiệu quả và bền vững.
Xây dựng bộ tiêu chí công nhận điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch văn hóa cộng đồng, xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt là nhân lực tại chỗ; chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch văn hóa đảm bảo chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cho cộng đồng.
Phát triển du lịch văn hóa phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam cũng như phù hợp với xu thế phát triển du lịch văn hóa chung của nhân loại. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa vừa giúp bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc và nguyên bản của Việt Nam vừa đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng.
"Cùng với đó là đặt trọng tâm phát triển du lịch văn hóa giúp Việt Nam trở thành điểm nút quan trọng của mạng lưới du lịch văn hóa khu vực và toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, giúp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng như yêu cầu của Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017" - ông Nguyễn Trùng Khánh nói./.