Tái hiện không gian âm nhạc cổ nơi sân đình

02/03/2017 08:01

Theo dõi trên

Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc là quá trình làm sống lại những làn điệu tinh tế của âm nhạc truyền thống.


Bởi vậy mỗi một câu chuyện âm nhạc cùng tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam. Trong những ngày đầu xuân, những điệu ca lời hát xưa đã lay động trái tim của khán giả mang đến những cảm xúc thân thuộc đậm chất trữ tình.

Nặng lòng với âm nhạc truyền thống

Trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc thị trường, nhiều nghệ sĩ đam mê với âm nhạc truyền thống vẫn ngày đêm trau chuốt với tiếng đàn lời ca.

Những điều mà họ mang lại cho khán giả yêu âm nhạc truyền thống là sự nặng lòng với âm nhạc dân gian. Hình thành từ những năm gần đây, nhóm Đông Kinh cổ nhạc với tôn chỉ mục đích của mình đã và đang giữ gìn và mang đến những làn điệu âm nhạc dân tộc cho các khán thính giả cùng thưởng thức.

Đình làng là cái nôi của văn hóa Việt, nơi lưu giữ ký ức tâm linh và lịch sử của những cộng đồng người Việt. Tại đây những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đã được bao thế hệ người dân Việt lưu giữ.

Tái hiện lại hình ảnh một góc đình trong không gian biểu diễn nghệ thuật của mình, nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã tạo ra một không gian diễn xướng đầy màu sắc.

Sự đa dạng văn hóa các vùng miền từ hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm cho đến Ca trù, Đờn ca tài tử, Cải lương... đã có mặt trong những trích đoạn văn học cổ.

Là một trong những người tiên phong, linh hồn của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, NSND Xuân Hoạch chia sẻ: Ông thuộc diện lớp người hoài cổ, vì vậy ông đã cùng những người bạn có cùng sở nguyện như mình cùng tập hợp nhau lại với mong muốn giữ gìn giá trị cốt lõi của dân tộc.

Ở những buổi biểu diễn đầu tiên, chỉ có lác đác vài bạn trẻ. Đến nay, thành công của chương trình “Nhạc của Đình” mới được tổ chức gần đây là có đến một nửa khán giả trẻ.

Kết nối những tâm hồn

Hành trình tìm lại hồn dân tộc cũng là cách tìm lại chính mình. Truyền thống âm nhạc là một chặng đường dài, được bồi đắp từ nghệ thuật và cái tâm của người nghệ sĩ, để các giá trị cổ truyền được lưu giữ và bảo tồn cùng năm tháng.

Là một trong những khán giả hay có mặt trong những buổi biểu diễn của nhóm cổ nhạc, ông Trần Văn Thanh (phố Hàng Bồ, Hà Nội) cho biết:

Đến với những đêm diễn này, ông như được sống lại một phần ký ức trong quá khứ. Đây chính là những những điệu chèo, điệu xẩm mà ngày nhỏ những người cùng trang lứa như ông được xem và nghe tại Hà thành xưa. Cách diễn của các nghệ sĩ ở đây không chỉ điêu luyện mà phong cách thể hiện rất mộc mạc giản dị gần gũi với người xem.

Đều đặn một tháng một lần, nhóm Đông Kinh cổ nhạc luôn có một buổi biểu diễn tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội).

Mới đây trong một không gian ấm cúng tại Trung tâm Văn hóa Pháp, khán giả đã cùng say với những tiếng đàn, giọng hát mang đậm âm hưởng dân tộc.

Mở đầu là tiếng trống hội làng náo nức của NSƯT Văn Chính, rồi vở tuồng cổ Sơn Hậu với sự ra mắt của NSND Mẫn Thu, trích đoạn Nô – Màu (Chèo cổ Quan Âm Thị Kính) với lời hát Đúm của NSND Mạnh Phóng, NSƯT Bích Liên. NSND Minh Gái góp mặt với sự thể hiện vai diễn Xúy Vân trong vở tuồng cổ điển Súy Vân giả dại…

Không thông qua một lăng kính nào, tất cả những nhân vật trong các trích đoạn cổ hay những lời ca của điệu xẩm, điệu chèo đều gần gũi mộc mạc bước ra từ góc đình với sự bài trí của những chiếc chiếu cói cùng những nhạc cụ giản dị.

Khán giả có mặt ở đây được sống trong những xúc cảm về thân phận người bình dân xưa và được hỉ hả cùng tiếng cười của các hề chèo…

Tất cả những điều này giúp cho khán giả được cảm nhận rõ nét được sống lại với văn hóa dân gian một thời của cha ông xưa. Đây cũng sẽ là một hành trình tìm lại hồn dân tộc, tìm lại một nét đẹp văn hiến xưa cho tất cả những người con đất Việt, nhất là đối với giới trẻ hiện nay.

Điều thu hút giới trẻ chính là việc chương trình không có thiết bị điện tử nào. Việc này đòi hỏi các nghệ sĩ phải dùng chính tài năng, sự khổ luyện, và kinh nghiệm diễn đạt qua ngôn ngữ khẩu hình, diễn xướng, đến hình thể để truyền tải các mẫu, vai diễn kinh điển từ những tác phẩm, trích đoạn cổ.


Thu Trà

Nguồn: Giáo dục & Thời đại
Bạn đang đọc bài viết "Tái hiện không gian âm nhạc cổ nơi sân đình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.