Tác giả Nguyệt Chu: Lịch sử là đề tài màu mỡ

12/03/2018 15:14

Theo dõi trên

Trong văn chương, lịch sử là một đề tài khó, kén cả người viết lẫn người đọc. Mà đúng là trong thực tế, trên văn đàn, viết về đề tài này chủ yếu là các cây bút nam. Nguyệt Chu, quê ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) là một tác giả mới, đã xuất hiện khá ấn tượng với đề tài này và vừa xuất bản tập truyện ngắn “Người canh giữ phù dung”. Với chị, lịch sử là một đề tài màu mỡ.


- Trong nhiều đề tài phù hợp với nữ giới, tại sao chị chọn đề tài lịch sử, được cho là khá khó khăn với nữ giới?

- Đến với văn chương, tôi không chỉ viết về đề tài lịch sử, đây cũng không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi nhưng có lẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất. Vốn là người yêu lịch sử và cũng là người hoài cổ, tôi luôn muốn tìm về quá khứ để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Tôi có cảm giác dòng lịch sử giống như chủ nghĩa siêu thực trong văn chương, có quá nhiều mù mờ và những góc khuất. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng và phiêu lưu trong sáng tạo. Tôi có cơ hội kiến tạo một lịch sử riêng bằng cảm quan của mình. Tất nhiên, lịch sử trong tác phẩm của tôi không phải là cái hào hùng mạnh mẽ cuồn cuộn cơ bắp như các cây bút nam trên văn đàn mà đó là một lịch sử mang đầy thiên tính nữ, đẹp và buồn; một lịch sử được kiến tạo từ bản năng rất đàn bà: “Thiếp chỉ là đàn bà. Thiếp không ôm giấc mộng đế vương”.

- Trong giới viết văn trẻ đang có một xu thế khai thác đề tài lịch sử, chiến tranh? Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng các cây bút ở Việt Nam thiếu tầm nhìn xa nên có tính hướng nội, ít hướng ngoại, như viết về chủ đề khoa học viễn tưởng, trinh thám, mang tính dự báo?
 
- Trong giới viết trẻ hiện nay đang có một xu thế khai thác đề tài lịch sử, chiến tranh. Một số cây bút trẻ như Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương hay mới hơn như Trần Tú Ngọc cũng đã khai thác và bước đầu có những thành công nhất định ở đề tài này. Dường như, so với các đề tài hiện đại như thế sự, đời tư hay hậu hiện đại thì có lẽ đây cũng là một món mới mẻ và có nhiều sức hấp dẫn bởi chính sự mù mờ, bất tín của nó.
 
Còn cho rằng các cây bút ở Việt Nam thiếu tầm nhìn xa nên có tính hướng nội, ít hướng ngoại, như viết về chủ đề khoa học viễn tưởng, trinh thám, mang tính dự báo thì có lẽ chưa hẳn là như vậy.
 
Trước hết, viết về đề tài gì, hướng nội hay hướng ngoại tùy thuộc vào tạng của mỗi người, cũng phụ thuộc cả vào sự dấn thân, trải nghiệm của mỗi người nữa, như trước kia Nam Cao đã từng tâm niệm là “sống đã rồi hãy viết”.
 
Thứ hai, việc các cây bút ở Việt Nam thường có tính hướng nội cũng xuất phát từ chính đặc tính của con người Việt Nam, đó là duy cảm, duy tình, thiếu tính lý trí, mạnh mẽ.
 
Thứ ba, trên thực tế, chưa có gì để chứng minh văn học có tính hướng nội thì thiếu tầm nhìn xa và ngược lại.
 
Thứ tư, những chủ đề khoa học viễn tưởng hay trinh thám cũng chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của văn học. Nó không được xếp vào loại văn chương đích thực “văn học là nhân học” mà cũng chỉ là á văn học mà thôi.
 
Thứ năm, các cây bút viết được những tác phẩm mang tính dự báo, có tầm nhìn xa thì phải là những cây bút vĩ đại. Việt Nam chúng ta chưa có nhưng trên thế giới thì cũng rất hiếm hoi. Hơn nữa, “thời thế tạo anh hùng”, phải trong một bối cảnh lịch sử nhất định, với một nhu cầu bức thiết của đời sống và văn học, lúc ấy sẽ xuất hiện cây bút vĩ đại. Và chúng ta có những kiệt tác văn học như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng xuất phát từ một thực tế như vậy.

- Giọng điệu của một số cây bút trẻ ngày nay viết về lịch sử khá giống nhau. Chị có gặp áp lực gì khi triển khai đề tài này?

- Hiện giờ một số cây bút trẻ đang có hứng thú khai thác lịch sử và có những sự đồng điệu trong cách thể hiện đề tài này. Tuy nhiên nói là giọng điệu của họ khá giống nhau thì tôi thấy có lẽ chưa chính xác. Bên cạnh cái chung xuất phát từ lối tư duy mang tính duy cảm, duy tình của con người Việt Nam thì mỗi cây bút vẫn có những nét riêng. Ví như Đinh Phương trong các câu chuyện của mình thì thường mang cảm quan hiện đại, với sự xuất hiện của một nhân vật hiện đại trong mạch truyện. Lê Vũ Trường Giang thường xoáy sâu vào các sự kiện, với giọng điệu bi hùng và mang nhiều nét sử thi. Nguyễn Thị Kim Hòa vẫn mang hơi hướng truyền thống trong cách kể. Trần Tú Ngọc với một số truyện gần đây thì lại lạ hóa lịch sử, khiến cho ta theo dõi câu chuyện như đang lướt qua những thước phim điện ảnh. Còn tôi thì thiên về sự suy tư, chiều sâu nhân bản của nhân vật lịch sử hơn là chú trọng khai thác bề ngoài của sự kiện.
 
Với một vài dẫn chứng nhỏ vậy, rõ ràng là mỗi người có một cách kiến tạo lịch sử của riêng mình. Vì thế, tôi cũng không gặp phải áp lực gì lắm khi thể hiện đề tài này. Khi viết truyện lịch sử, tôi thường đọc rất nhiều những câu chuyện khác của các bạn viết, vừa là để học hỏi, vừa là để tạo nên giọng điệu riêng cho mình.
 
- Trong tập truyện “Người canh giữ phù dung” vừa được NXB Văn học và Cty TNHH sách Dân trí phát hành đầu năm 2018, đâu là điểm nhấn cho cả tập truyện ngắn?
 
- Tôi thích nhất truyện “Người canh giữ phù dung”. Đây là truyện lịch sử đầu tiên, đặt dấu mốc quan trọng trong con đường cầm bút của tôi, được tôi lấy để đặt tên cho cả tập truyện.
 
Trước khi viết Người canh giữ phù dung, tôi đã viết những câu chuyện rất gần gũi với đời sống, như chuyện về làng quê của tôi, về cái thị xã nhỏ bé mà tôi đang sống, về những người trẻ và khát khao lột xác, tìm lại chính mình trong thời đại đầy biến động của những giá trị văn hóa. Nhưng tôi vẫn có cảm giác mình chưa tìm được đúng hướng và đúng cái tạng của mình. Đã có lúc tôi cảm thấy hoang mang vì loay hoay tìm con đường phù hợp nhất với mình. Một lần, giảng bài “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” trong chương trình Ngữ văn lớp 10, cuối bài SGK có câu hỏi: Em hãy tưởng tượng sau khi Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự tử, xuống thủy cung, gặp lại Mị Châu…” khiến tôi nảy ra một ý tưởng, tại sao mình lại không tưởng tượng để viết lại câu chuyện này. Câu chuyện được tôi tranh thủ viết rất nhanh vào những lúc rảnh ở trường, viết trên giấy A4 mà nếu người khác đọc thì sẽ không dịch nổi vì tôi viết như sợ những câu chữ sẽ tuột mất khỏi ngòi bút của mình. Truyện được in trên Tạp chí VNQĐ tháng 6 năm 2016, là một niềm vui rất lớn của tôi trong khoảng thời gian ấy. Cũng nhờ đội ngũ biên tập viên của tạp chí Văn nghệ quân đội rất tận tình, chu đáo, chỉ ra cái ưu và nhược điểm trong cách viết của tôi, để từ đó tôi nhận ra, viết truyện lịch sử là một hướng đi đúng đắn. Bắt đầu từ đó, tôi khai thác đề tài lịch sử trên cảm quan nữ tính của mình.

- Với dòng truyện lịch sử, chị có dự định gì cho thời gian tới. Như viết tiểu thuyết chẳng hạn?

- Rất yêu lịch sử, nhất là những mối tình của các nhân vật trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, tôi muốn viết tiếp về những giai nhân của các vương triều. Biết bao nhiêu giai nhân là bấy nhiêu loài hoa, như chính sự mong manh của cái Đẹp. Chưa viết được về họ, tôi còn cảm thấy mắc nợ và day dứt. Vì thế, tôi sẽ viết tiếp truyện ngắn, những lát cắt thoảng qua của lịch sử hằn in lên những thân phận đàn bà.
 
Còn về tiểu thuyết, thực ra tôi cũng rất muốn viết một tác phẩm dài hơi. Tuy nhiên, hiện giờ tôi tự nhận thấy có lẽ mình còn chưa đủ chín. Dù vậy, tôi vẫn sẽ ấp ủ vấn đề mà tôi tâm đắc, cứ “tiệm ngộ” rồi sẽ đến lúc “đốn ngộ”!
 
- Xin cảm ơn chị!
 
Diên Khánh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Tác giả Nguyệt Chu: Lịch sử là đề tài màu mỡ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.