Sưu tầm, số hóa nhiều tài liệu Hán Nôm quý

21/06/2017 11:24

Theo dõi trên

Tại lễ khai mạc chương trình “Sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm” và khai mở Hòm bộ sắc phong, tư liệu làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) diễn ra sáng 20/6, ban tổ chức (Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) cho biết kết quả khảo sát cho thấy có nhiều tài liệu Hán Nôm giá trị ở các địa phương trong tỉnh.



Khai mở Hòm bộ sắc phong, tư liệu làng Mỹ Lợi.

Khảo sát sơ bộ tại các làng, nhất là làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ) có tài liệu Hán Nôm khá phong phú và đa dạng, đủ các loại hình loại tài liệu như: sắc phong, chế phong, văn bản đất đai, bằng cấp, văn tế, văn cúng, Hương ước, gia phả,… có niên đại từ thời Cảnh Hưng, Lê, các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn. Đặc biệt, có văn bản khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.



Nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị ở làng Mỹ Lợi được sưu tầm, số hóa.

Kết thúc đợt sưu tầm, số hóa tại xã Vinh Mỹ, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này tại khoảng 20 làng, chùa của 10 xã, phường ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Đây là năm thứ 9 Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm. 8 năm qua, hai đơn vị đã số hóa tại 14 phủ đệ, 68 làng, đền thờ và nhà vườn với 316 họ tộc.




Ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa tài liệu Hán Nôm.

Theo BTC, hệ thống tư liệu văn bản Hán Nôm đã sưu tầm, số hóa sau khi tuyển dịch sẽ giúp bổ sung nhiều chỗ trống trong lịch sử, nhiều chỗ không cụ thể hoặc thiếu sót trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế của địa phương, vùng, cả nước dưới các triều Tây Sơn, chúa Nguyễn và vua Nguyễn.

Hữu Phúc

Nguồn: Thừa Thiên Huế Online
Bạn đang đọc bài viết "Sưu tầm, số hóa nhiều tài liệu Hán Nôm quý" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.