Soạn giả - NSND Viễn Châu - cha đẻ “Vọng cổ hài”
“Hề cải lương” khác “hề ca vọng cổ”
Xưa nay, hầu hết các vở cải lương đều có nhân vật hài với nhiệm vụ gây không khí, mang lại tiếng cười cho khán giả. Vì thế, vai trò của nghệ sĩ đóng vai hài rất quan trọng, đòi hỏi họ phải biết diễn xuất và biết thể hiện các bài bản cải lương theo phong cách hài hước. Vào thời vàng son của cải lương, tiếng tăm và tiền cát-sê của một số nghệ sĩ hài như: Tư Rọm, Hề Minh, Văn Hường, Hề Sa… không thua kém đào - kép chánh. Nếu sân khấu cải lương cần có vai hài, thì bài vọng cổ cũng cần có những giọng ca hài. Với hề cải lương chỉ tập trung vào diễn, còn với vọng cổ hài, người nghệ sĩ tập trung vào yếu tố ca là chính. Nghệ sĩ ca vọng cổ hài đòi hỏi phải có chất giọng hay, làn hơi khỏe khoắn, phải chắc nhịp, kỹ thuật luyến láy, nhả chữ điêu luyện và phong cách thể hiện phải vui tươi, duyên dáng. Thực tế, có rất nhiều nghệ sĩ thành công khi thể hiện vọng cổ hài, nhưng ấn tượng hơn hết vẫn là nghệ sĩ Văn Hường. Nếu như soạn giả Viễn Châu được báo giới và công chúng tặng cho danh hiệu là “Vua sáng tác vọng cổ”; thì nghệ sĩ Văn Hường được tấn phong là “Vua ca vọng cổ hài” vì ông thể hiện thành công nhiều bài vọng cổ. Thậm chí, ông được giới mộ điệu đặt cho biệt danh là “Tư Ếch” nhờ thể hiện xuất sắc bài vọng cổ hài “Tư Ếch đi Sài Gòn” của soạn giả Viễn Châu.
Đặc trưng vọng cổ hài
Hài là một thể tài trên nhiều loại hình nghệ thuật, thể cách tình huống khá đa dạng. Đặc điểm nổi bật của hài là gây cười bằng thủ pháp nghệ thuật trào lộng. Nhưng ca từ có thể cách hài, mà giọng ca không có tố chất hài, hay dàn nhạc đệm rời rạc, thì tổng thể tác phẩm sẽ không tạo được tiếng cười và ngược lại. Vì thế, bài vọng cổ hài phải là một chỉnh thể, gồm các mối quan hệ của những tố chất hài trực tiếp liên kết với nhau, đó là văn chương, thanh giọng, tiết tấu và nhạc đệm. Ca từ hài phải thuộc loại văn chương biền ngẫu hay văn vần, có hệ thống mốc xích về mặt ngữ âm, vần điệu. Nếu ca từ gút mắc không suông theo vần điệu thì người ca sẽ bị cưỡng âm, gây khó khăn cho việc diễn đạt cái hài trong mọi tình huống.
Điều kiện viết vọng cổ hài
Viết lời vọng cổ thật ra không khó, nhưng viết lời cho vọng cổ hài thì thật sự khó khăn. Nếu như người viết chỉ cần giữ đúng lề lối, khuôn phép thì có thể sáng tác được bài ca vọng cổ thuần túy; nhưng với vọng cổ hài, muốn viết hay và có tính hấp dẫn quả là không dễ dàng tí nào. Điều kiện để sáng tác vọng cổ hài đòi người viết phải có cái nhìn sự việc thật thấu đáo và biết sử dụng ngôn từ hài hước. Nghĩa là người viết phải nhìn ra được khía cạnh có thể châm biếm, chọc cười người nghe, những hủ tục cần đả phá và phải dùng lời văn châm biếm nhẹ nhàng, duyên dáng, gây cười, khiến cho người nghe dù là kẻ bị châm biếm cũng không phật lòng, còn công chúng thì tán thành lối châm biếm đó vì tác giả đã nói thay lời của họ.
Có lẽ từ xưa đến nay, giới thưởng ngoạn nhạc tài tử - cải lương ắt hẳn không thể nào quên vọng cổ hài. Vì điệu cổ nhạc độc đáo này đã góp phần tạo thêm sự phong phú cho nhạc mục tài tử - cải lương và đồng thời, giới thiệu với công chúng nhiều giọng ca hài được mọi người mến mộ. Với tính độc đáo và chất “khôi hài”, ắt hẳn vọng cổ hài sẽ có sức sống bền bỉ với thời gian, mãi là điệu cổ nhạc Nam bộ được nhiều người ưa chuộng.