Sửa Luật Quảng cáo: Làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo

17/08/2024 22:02

Theo dõi trên

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Hiện nay, các cơ quan, ban ngành đang triển khai các hội nghị, hội thảo nhằm đóng góp ý kiến để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

imagedaidoanketvn-images-upload-nghipm-07242023-anh-bai-phu-17230537634-1723906900.jpg
Ảnh minh họa

Quảng cáo được coi là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát triển mạnh mẽ, gia tăng cả về số lượng, chất lượng và doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo

Tại Tại Hội thảo góp ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiển cho biết, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo…

Theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, điểm sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo Luật là đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa ra các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân này. Đây chính là những điểm mới quan trọng của lần sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trên thực tế, tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng (KOL, KOC) đang ngày càng phổ biến, có tác động lớn đến hành vi của người tiêu dùng. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được KOL đề xuất. Mức chi tiêu của doanh nghiệp cho loại hình này cũng tăng cao trong thời gian qua.

Phó Tổng Thư ký VCCI cũng nêu rõ, việc Điều 15a của dự thảo Luật đưa ra quy định “các cá nhân này chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu” là rất cần thiết để duy trì môi trường quảng cáo lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục “gia cố” các điều khoản liên quan tại dự thảo Luật để làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó có cơ sở phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra.

Bởi, trên thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu doanh nghiệp cung cấp. Những cá nhân này không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp.

Trong khi đó, quy định “trách nhiệm liên đới” nếu đối chiếu với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý với những người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là khá nặng. Do đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, bên cạnh quy trách nhiệm pháp lý cho các cá nhân này, thì phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các nhãn hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (bao gồm cả công dụng, tính năng sản phẩm) và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho KOL, KOC. Các cá nhân người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm phải bảo đảm sự phù hợp với các nội dung được doanh nghiệp cung cấp.

Cân nhắc đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo theo hướng phân cấp

Đánh giá cao việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành để đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng của các loại hình quảng cáo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lưu ý, trong quá trình này cần bám sát quan điểm bảo đảm cân bằng và hài hòa. Như vậy sẽ vừa kiến tạo phát triển, đổi mới sáng tạo, vừa kiểm soát được rủi ro trong thực hiện các hoạt động quảng cáo.

Theo TS Cấn Văn Lực đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định để thống nhất trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức xã hội nghề nghiệp về quảng cáo cũng như UBND cấp tỉnh liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quảng cáo, xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về quảng cáo.

Cụ thể, bộ, ngành xây dựng chính sách, kế hoạch, khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ/quản lý trong hoạt động quảng cáo; ban hành và công bố Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; thanh tra, kiểm tra… Tổ chức nghề nghiệp xã hội về quảng cáo xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cấp cơ sở về quảng cáo trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quảng cáo của Bộ quy định; tổ chức, phối hợp với UBND cấp tỉnh bồi dưỡng nghiệp vụ về quảng cáo, cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quảng cáo và thực hiện lưu trữ thông tin tối thiểu 10 năm.

Cùng nói về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, số lượng quảng cáo hàng năm là rất lớn, theo đó là nhu cầu được thẩm định các sản phẩm quảng cáo cũng tăng cao. Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khó có thể thẩm định hết các sản phẩm quảng cáo, cũng như đáp ứng đúng yêu cầu đề ra. Điều này có thể sẽ để lại “khoảng trống nhu cầu” thẩm định của các doanh nghiệp.

Dẫn kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực điện ảnh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Điều 21 của Luật Điện ảnh năm 2023 đã quy định cho phép doanh nghiệp được tự thực hiện phân loại phim khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quy định này, một mặt, vừa giảm tải gánh nặng thẩm định phim cho cơ quan nhà nước, vừa tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực điện ảnh, ông Đậu Anh Tuấn và các chuyên gia tham gia Hội thảo nhất trí đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo theo hướng phân cấp cho hiệp hội.

Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trần Hùng đề nghị cần giao Hiệp hội Quảng cáo hoặc các hiệp hội ngành nghề tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo. Hội đồng thẩm định của hiệp hội sẽ phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật.

Đồng thời, các chủ thể khác cũng sẽ có quyền yêu cầu thẩm định lại trong trường hợp nhận thấy sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thẩm định lại sản phẩm quảng cáo; kết luận thẩm định này sẽ là kết luận cuối cùng, được sử dụng trên toàn quốc./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Sửa Luật Quảng cáo: Làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.