Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu

16/05/2024 20:05

Theo dõi trên

Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu đã có thời gian dài giao thoa và dung hợp với nhau. Tại Việt Nam, khi Phật giáo du nhập vào đã có một hệ thống tín ngưỡng dân gian phong phú, đa dạng. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, là một loại hình tín ngưỡng tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

nghe-nhan-luong-thi-nguyen-1715864630.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên trong một giá hầu

Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng và ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo tới mọi mặt đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn trên mọi lĩnh vực. Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đang vận động theo xu hướng vừa thống nhất, vừa khác biệt so với thế giới. Thông qua nghiên cứu sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam và ý nghĩa của sự dung hợp đó là vấn đề vô cùng cần thiết, góp phần chỉ ra nét đặc sắc từ đó góp phần bảo vệ và phát triển các giá trị văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam, thực hiện tốt đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng hiện nay.

Từ khoá: Tín ngưỡng; vấn đề giới trong tín ngưỡng Việt Nam; tôn giáo ở Việt Nam; giới và tôn giáo.

1. Lý luận về sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam

Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “Dung hợp là hòa lẫn vào nhau để hợp thành một thể thống nhất”. Còn theo Từ điển Hán Nôm điện tử: Dung hợp nghĩa là “1. Tan chảy, dung hóa. 2. Điều hòa, hòa hợp”. Có thể hiểu theo nghĩa chung nhất của Dung hợp chính là sự dung hoá, hoà hợp tạo thành một thể thống nhất không tách rời.

Phật giáo Việt Nam là Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo Việt Nam mang những đặc điểm tương đồng và khác biệt so với Phật giáo của các nước khác trên thế giới. Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ đại nên mang nhiều nét của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tôn giáo. Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam, mang nhiều ảnh hưởng của hệ phái Phật giáo Bắc tông. Tuy nhiên, ở khu vực miền Nam, hệ phái Phật giáo Nam tông cũng có ảnh hưởng không nhỏ, nhất là trong cộng đồng người Khmer Nam bộ. Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam năm 2020, hiện có hơn 4,600,000 tín đồ Phật giáo, còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 1002 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn đó chỉ là dạng hình thức tín ngưỡng với tên gọi là Mẫu Tam phủ - Tứ phủ, hình thức thờ cúng những vị Mẫu cai quản trong vũ trụ. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng thờ Mẫu, tuy nhiên phần lớn người Việt Nam cho rằng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian với những lý do: 1. Thờ Mẫu được hình thành trong chế độ Mẫu hệ, nó bắt nguồn từ thờ nữ thần. 2. thờ Mẫu thiếu những tiêu chí cơ bản để cấu thành một tôn giáo như sáng thế luận, giáo luật, giáo lý, giáo hội, hệ thống tổ chức… 3. Trong thờ Mẫu yếu tố niềm tin còn dựa vào sự cảm nhận của chủ thể (mỗi người tin theo cách khác nhau), chưa mang tính hệ thống.

Từ những nội dung trên ta có thể quan niệm về sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam: là sự kết hợp hài hoà thành thể thống nhất giữa Phật giáo đã được Việt hoá với tín ngưỡng thờ Mẫu của Người Việt. Từ đó hình thành nên nét văn hoá tâm linh đặc sắc trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở miền Bắc, góp phần vào xây dựng yếu tố tinh thần cho con người.

2. Nội dung biểu hiện của sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam

Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam trên dưới hơn hai ngàn năm. Ngay từ rất sớm, Phật giáo đã được tiếp nhận và trở thành một nền tư tưởng văn hóa dân tộc, dĩ nhiên là sau khi đã bản địa hóa Phật giáo. Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của dân tộc, trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như sự nghiệp dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh bại âm mưu xâm lăng và nô dịch về văn hóa của thế lực phương Bắc trong nhiều giai đoạn.

Trong nhiều sách sử để lại đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang nước ta bằng hai con đường thủy và đường bộ, thời gian này Ấn Độ có sự giao thương sang Á châu theo gió mùa Tây-Nam mang theo tư tưởng Phật giáo đến Việt Nam, các thương nhân cùng Tăng sĩ theo đoàn để cầu nguyện trong những chuyến vượt biển đầy nguy hiểm, họ đến dù không phải là mục đích truyền đạo, nhưng sự có mặt của họ thông qua hoạt động tín ngưỡng của người phật tử hàng ngày như cầu siêu, cầu an khi gặp nạn…

Ở Việt Nam, tập tục thờ mẫu đã có từ rất lâu đời, từ cái thời dân tộc chúng ta còn chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên, chỉ sau khi Mẫu Liễu giáng sinh, tín ngưỡng thờ mẫu tại Việt Nam mới được chính thức trở thành quốc đạo. Các vua Lê là người có công thống nhất tục thờ Mẫu của người Việt và tục thờ Sơn Trang của người miền núi để chính thức hình thành Tam tòa Thánh mẫu với Thần Chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúa Sơn Trang của người miền núi đã trở thành Mẫu Thượng Ngàn. Như thế, Đạo Mẫu của Việt Nam chính thức ra đời vào thế kỷ 15, kể từ ngày Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất (1434). Tức mới ra đời cách đây 600 năm. Tục thờ mẫu của Việt Nam thì đã có từ hàng ngàn năm trước, trước cái ngày Đức Phật niết bàn cách đây 2561 năm.

Trải qua quá trình Phật giáo du nhập, tồn tại và phát triển cho tới nay cùng với sự hình thành, phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam từ trước. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo ở Việt Nam lại luôn có sự dung hợp, tiếp thu những điều tốt đẹp của nhau để từ đó hướng tới một điểm chung đó là làm chỗ dựa về mặt tinh thần cho con người. Quá trình dung hợp diễn ra ngay từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam, minh chứng rõ ràng nhất là việc xuất hiện tục thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) ở một số ngôi chùa thuộc Thuận Thành - Bắc Ninh. Giai đoạn sau này là việc xuất hiện điện thờ Mẫu theo mô hình “tiền Phật hậu Mẫu” ở các ngôi chùa miền Bắc Việt Nam, đỉnh điểm nhất có lẽ là vào thế kỷ XVI - XVII với việc xuất hiện hình tượng Mẫu Liễu Hạnh. Sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu rất phù hợp với đặc trưng của Phật giáo Việt Nam đó là tính tổng hợp, tính hài hòa âm dương, tính linh hoạt; nhờ sự dung hợp này đã làm phong phú thêm hệ thống điện thần của Phật giáo cũng như tăng niềm tin đối với số đông tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Chùa ở miền Bắc có một vị thế quan trọng cả về phương diện tôn giáo cũng như lịch sử - văn hóa. Ở nhiều ngôi chùa, ngoài kiến trúc thờ Phật, chùa còn có điện Mẫu, nằm liền kề với nhà Tổ và cung thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Trong chùa, kiến trúc của điện Mẫu bao gồm 1 gian rộng, có 3 ban thờ: 1 ban thờ ở giữa tam cấp (hàng trên cùng là tượng Tam tòa Thánh Mẫu; hàng thứ 2 thờ Ngọc Hoàng ở giữa và hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu; hàng thứ 3 là 2 tượng cậu) và 2 ban thờ 2 bên cạnh (Ban thờ bên trái gồm 3 tượng thờ Chầu Mười và hai tiên nữ; Ban thờ bên phải thờ Chầu Thượng Ngàn và hai tiên nữ); trên cung Tam Bảo bên phải có ban thờ gồm 3 bức tượng: Quan Bơ Phủ, cô, cậu. Hiện nay, điện thờ Mẫu bị thu hẹp về số lượng ban thờ và tượng thờ, gồm hai ban thờ: ban thứ nhất thờ công đồng (Hàng thứ nhất thờ Tam tòa Thánh Mẫu; hàng thứ 2 gồm 3 tượng: ở giữa là tượng cậu, bên trái thờ Chầu Thượng Ngàn và bên phải thờ Chầu Mười); hàng thứ 3 gồm 2 tượng cậu bé), phía dưới hạ ban thờ Ngũ Hổ và ban thứ hai thờ Cô bé Thượng Ngàn. Mặc dù, kiến trúc gian thờ Mẫu của một số ngôi chùa đã bị thu hẹp so với trước kia nhưng sự hiện diện của cung Mẫu đã cho thấy sự dung hợp giữa một tôn giáo lớn với tín ngưỡng dân gian bản địa, sự giao thoa văn hóa và tính chất linh hoạt của Phật giáo Việt Nam được thể hiện rất rõ nét.

Việc xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua hệ thống các cung thờ, tượng thờ trong các ngôi chùa miền Bắc cho thấy rõ ràng những giá trị của đời sống dân gian đã được Phật giáo chấp nhận và tiếp thu, phù hợp với giáo lý từ bi bác ái của đạo Phật, không bài trừ, bôi nhọ các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu còn được bắt nguồn từ truyền thuyết Quan Âm Bồ Tát đã cứu Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong trận Sùng Sơn đại chiến với phái Nội Đạo Tràng, thông qua sự kiện này thêm một minh chứng rõ nét cho việc xuất hiện thờ Mẫu trong các chùa của người Việt ở miền Bắc. Mặc dù, sự xuất hiện của điện thờ Mẫu ở các ngôi chùa là rất phổ biến, nó góp phần làm rõ nét hơn sự dung hợp giữa hai loại hình tôn giáo tín ngưỡng này, cũng như giúp các nhà nghiên cứu hình dung rõ ràng hơn đời sống tâm linh ở một giai đoạn lịch sử nhất Song song với sự hiện diện của cung Mẫu ở một số ngôi chùa cổ thì việc thực hành và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân cũng là một trong những minh chứng quan trọng cho sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam.

Chùa từ lâu là nơi giải quyết nhu cầu tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân trong ở các làng, bản, đặc biệt đối với những người phật tử thì nơi đây là ngôi nhà thứ hai của họ, khi mệt mỏi phiền não trong cuộc sống họ tìm đến Phật để cảm thấy an nhiên, tự tại hơn. Nếu như Phật giáo giúp con người hiểu được sự khổ, tìm cách giải thoát, tức là hướng con người làm nhiều điều thiện tích đức để sau khi mất đi được vãng sinh về cõi cực lạc, thì đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, hướng con người vào cuộc sống hiện tại, họ đi cầu những ông Hoàng bà Chúa để các vị này khuông phù gia hộ cho sức khỏe tiền tài.

Thêm vào đó, người Việt khi tiếp cận với một tôn giáo, tín ngưỡng họ thường không quan tâm tới giáo lý, họ duy trì ý thức tâm linh của mình bằng niềm tin và sự thiêng liêng của đối tượng mà họ thờ cúng. Thực tế đã chứng minh nhiều phật tử đi lễ chùa với tâm niệm cầu bình an, sức khỏe cho gia đình mà không cần biết quá sâu về “Tứ diệu đế”, “Niết bàn’,… là gì.

Ở Việt Nam với điều kiện kinh tế một nước nông nghiệp trồng lúa nước, lấy trồng trọt là chủ yếu, do vậy người dân luôn có niềm tin và sự ngưỡng vọng nhất định đối với các vị thần tự nhiên chi phối trực tiếp tới đời sống sản xuất của họ, do vậy Phật giáo khi du nhập vào lãnh thổ nước ta buộc phải dung hợp với các tục thờ, tín ngưỡng bản địa. Miền Bắc Việt Nam ngoài nông nghiệp, mạng lưới giao thương buôn bán cũng phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt dưới triều Nguyễn, vậy nên ngoài niềm tin trước đó với Phật giáo thì người Việt ở đây còn thờ cúng các vị thần liên quan tới rừng núi (Mẫu Thượng Ngàn), vậy nên trong ngôi chùa có thờ Chầu Thượng Ngàn và cô bé Thượng Ngàn. Tâm lý thực dụng của người Việt cũng tác động mạnh mẽ tới quá trình dung hợp giữa hai hình thái tôn giáo, tín ngưỡng này, khi họ cảm thấy Phật giáo chưa đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh khi mà hiện nay tình hình kinh tế xã hội ngày càng phức tạp do đó họ tìm đến với Mẫu - nơi đáp ứng phần nào những yêu cầu trên của con người. Hiện nay, vào ngày 15 và mùng 1 hàng tháng, có rất nhiều người dân đến lễ Phật, lễ Mẫu ở chùa ở miền Bắc, thể hiện sự dung hợp, giao lưu giữa hai loại hình tôn giáo, tín ngưỡng này. Mặc dù, không tổ chức nghi lễ hầu đồng nhưng vào các ngày lễ tiệc của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhà chùa đều có lễ vật dâng cúng cầu cho đất nước yên vui, “quốc thái dân an”. Thông qua đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân đã góp phần làm rõ nét hơn mối quan hệ cũng như sự dung hợp của Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Như vậy, sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam được biểu hiện rõ nét thông qua hệ thống thờ tự và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Nếu như ở hệ thống thờ tự cho thấy sự hiện diện về mặt vật chất của thờ Mẫu trong đất Phật thì thông qua đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân mối quan hệ giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu được tái hiện sinh động. Trong quá trình cùng tồn tại và phát triển, cả hai đã tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, giáo lý của nó để bổ khuyết cho chính mình.

nghe-nhan-luong-thi-nguyen493-n-1715864695.jpg

3. Ý nghĩa của sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo - với tư cách vừa là một học thuyết giải thoát về cách sống lương thiện tốt đẹp cho con người, vừa là một học thuyết qua tinh thần Tứ Ân có ơn với Tổ quốc là trọng đại - đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Cùng với những tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã góp phần quan trọng hình thành nên nét văn hoá tâm linh đặc sắc riêng của người Việt nói chung và người Việt ở Bắc Bộ nói riêng.

Bên cạnh tôn trọng với Phật pháp thì thờ Mẫu thể hiện được vị trí, vai trò của người phụ nữ ở Việt Nam đã được khẳng định trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, không những thế, họ còn được tôn vinh, tôn thờ như những bậc thánh thần có một sức mạnh siêu nhiên, sáng tạo ra vũ trụ, muôn loài, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tâm thức và tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Nữ thần nói chung và tục thờ Mẫu của người Việt phản ánh cho thấy vai trò của Mẫu - Mẹ trong đời sống tinh thần của người Việt, phía sau sự tôn vinh, ngưỡng vọng, tôn thờ ấy chính là khát vọng phong đăng, phồn thực, no đủ, phồn vinh mà Mẫu - Mẹ là biểu trưng điển hình cho khát vọng đó

Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á. Từ lâu Việt Nam là nơi giao lưu của nhiều luồng tư tưởng văn hoá khác nhau và trở thành tụ điểm hội nhập của nhiều loại hình tôn giáo trên thế giới và khu vực. Đây là nhân tố quy định sự phong phú, đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Do điều kiện địa lý, dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn minh phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ. Phật giáo là một trrong số các tôn giáo lớn đã tồn tại và phát triển ở nước ta, dù là ngoại nhập, hay nội sinh, nhìn chung đều là sản phẩm trực tiếp hoặc gián tiếp của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa. Thể hiện văn hoá Việt Nam không hề thủ cựu, bó buộc mà luôn linh động, biến hoá phù hợp với nhu cầu văn hoá của người Việt Nam.

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam có ý nghĩa không chỉ văn hoá mà còn góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cùng với các trung tâm văn hoá lớn của thế giới, văn hoá của người Việt ở sông Hồng đã góp phần hình thành nên văn minh, văn hoá sông Hồng đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Sự dung hợp đó góp phần đoàn kết nhân dân, mọi người dân ở các làng, bản ở miền Bắc trong sự nghiệp trị thuỷ, khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế, văn hoá, hơn nữa là hình thành nên nước Việt Nam với bề dầy văn hoá, lịch sử đặc sắc.

Tóm lại, Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu đã có thời gian dài giao thoa và dung hợp với nhau. Tại Việt Nam, khi Phật giáo du nhập vào đã có một hệ thống tín ngưỡng dân gian phong phú, đa dạng. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, là một loại hình tín ngưỡng tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng dung hợp với hình thức tín ngưỡng này tạo nên sự riêng có của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần vào giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá người Việt trong giai đoạn hiện nay. Nền văn hóa Việt Nam hôm nay phản ánh sự phát triển cân đối, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đảm bảo tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Đảng Cộng sản Việt Nam trong Văn kiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đưa ra là một trong những yêu cầu quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững đất nước trong thời đại mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Ngọc Anh (2016), Sự dung hợp của Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Luận văn Thạc sỹ Triết học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, chuyên ngành Triết học, Hà Nội.

2. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Phật giáo Việt Nam

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam

3. Phan Nhật Hạnh (2015), Phát huy giá trị văn hoá của sự dung hợp Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, Tạp chí Giáo dục Lý luận, Số 238.

4. Hoàng Minh Hiếu (2023), Sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng Mẫu ở miền Bắc, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số tháng 3.

5. Phan Thị Kim (2015), Sự dung hợp giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo qua nghi lễ tôn giáo (nghiên cứu tại thành phố Hải Phòng), Tạp chí Giáo dục Lý luận, Số 238.

6. Hoàng Thị Lan (2015), Tín ngưỡng dân gian trong đời sống của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay, Tạp chí Giáo dục Lý luận, Số 238.

7. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội.

8. Hoàng Thị Len (2013), Tìm hiểu di tích ngôi chùa (Diên Khánh Tự) (Phường Chi Lăng, thành Phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Khóa luận tốt nghiệp đại học, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, chuyên ngành Bảo tàng, Hà Nội

9. Thanh Long (2021), Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáo khác, Trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ, truy cập ngày 16/11.

10. Nguyễn Mạnh (2015), Tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh người Việt, Trang website Hành trình tâm linh, ngày 31/7.

11. Đặng Nghiêm Vạn (2010), Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb. Văn học, Bến Tre.

12. Hoàng Phê (Chủ biên - 2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng.

Địa chỉ liên hệ:

ThS Phạm Đức Dũng, Học viện Kỹ thuật Quân sự /Bộ Quốc phòng;

số 236 Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Email: phamducdung.bg89@gmail.com;

Số điện thoại: 0987143686

ThS Phạm Đức Dũng - CN Đỗ Trọng Hải - CN Nguyễn Quang Linh
Bạn đang đọc bài viết "Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.