Sóng nước Cà Mau

27/01/2016 09:36

Theo dõi trên

Lúc khởi hành từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, chúng tôi dự định đi hai địa danh là Rừng U Minh và Hòn Đá Bạc. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư bảo, hai chỗ đó ngược đường nhau, bây giờ muộn rồi, chỉ đi được một nơi thôi. Hay hôm nay đưa mấy anh tới đầm Bà Tường. - Ở đó có gì hay? - Thì ngồi nhậu lai rai với người dân, ngắm sông nước!


Nghe Tư nói tưng tửng, chưa thấy hấp dẫn lắm, nhưng đã gần trưa, kiến bò râm ran trong bụng nên cũng xiêu xiêu. Tư bảo: “Để điện thoại cho ông chủ hỏi xem có còn đồ ăn không rồi hãy đi”. Chúng tôi thầm thắc mắc, quán nhậu gì mà mới gần trưa đã hết đồ ăn là sao?

Nhét điện thoại vào túi, Tư vui vẻ nói, may quá, vẫn còn, đi luôn kẻo trễ!

“Quán nhậu” ấy hóa ra cách thành phố Cà Mau hơn 40 ki-lô-mét. Đường càng đi càng nhỏ, càng đi càng xanh mướt mát. Thấy Ngọc Tư vẫn bình thản chuyện trò, chúng tôi lén lấy ipad ra tra trên bản đồ google map. Ôi, thì ra đó là đầm Thị Tường nổi tiếng, Bà Tường chỉ là một tên gọi khác. Nguyễn Thị Ngọc Tư từng viết một cái ký rất hay “Xa đầm Thị Tường”, rặt chất Nam bộ từ giọng điệu, thiên nhiên, địa danh, sản vật.

Trời bỗng đổ xầm xì, Tư nhìn ra ngoài lo lắng, ngó bộ sắp mưa. Tới bờ đầm quả nhiên mưa ào xuống dào dạt. Đang mùa gió chướng nên mưa gió thất thường, mới nắng chang chang, thoắt sang mưa đổ. Mưa như đứa trẻ, chạy vụt ra sân chơi rồi lại chạy ào vào nhà. Tư tắc lưỡi, uổng quá, phải chi trời quang, ngắm mây bay trên mặt đầm mới đẹp!

Chúng tôi chùm áo mưa giấy, co ro ngồi trongchiếc vỏ lãi làm bằng vật liệu com-pô-dít, hướng ra giữa đầm nước. Mặt đầm như quánh lại. Sóng đẩy vỏ lãi tròng trành, mưa tạt vào mặt. Quanh đầm, dừa nước mọc thành bầy. Nếu gọi ra một loài cây đặc trưng, gắn bó với đồng bào vùng Đất Mũi thì đó là loại cây dừa này. Không một bộ phận nào của cây dừa không gắn bó với người nông dân. Dừa lợp nhà che nắng, che mưa, làm dụng cụ đánh bắt cá, giường ngủ, lá dừa còn dùng để gói bánh, đun nấu…

Đầm tuy mênh mông vậy, nhưng nước chỉ sâu chừng hơn một mét, cắm đầy cọc lộ giới quây thành vuông nuôi sò huyết. Người lái xuồng khéo léo luồn lách, thi thoảng lại phải nâng chân vịt lên để không cắn vào lưới. Trên đầm lác đác các nhà sàn nổi trên mặt nước, còn chòi canh lú thì chi chít. Chủ nhà cao lớn, tên Hai Hùng, nặng dễ đến một tạ, nói cười rổn rảng. Ngôi nhà sàn của ông rộng chừng 200 mét vuông (thấy bảo là lớn nhất khu đầm này), lát gỗ tốt, trong nhà có tivi màu, màn hình phẳng, mới cóng. Lại thấy cả một bộ thiết bị tập gym bày chật góc nhà, chủ nhân rõ là người khá giả, biết chăm sóc bản thân.Cách đây hơn 30 năm, Hai Hùng đưa người vợ trẻ ra đầm lập nghiệp. Các con ông sinh ra, lớn lên, dựng vợ gả chồng, đều ở trong phạm vi ngôi nhà này. Có đứa lên bờ, có đứa ở lại với cha tiếp tục nghề sông nước. Lúc chúng tôi mới đến, thấy hai đứa nhỏ chừng ba, bốn tuổi khoanh tay lễ phép chào, Hai Hùng giới thiệu: “Cháu nội tui đó!”.

Dường như ông không lạ với những chuyến viếng thăm kiểu này. Hai Hùng vốn là “bạn nhậu” với anh trai Nguyễn Thị Ngọc Tư. Một lần Tư đưa bạn văn ra đây chơi, được hưởng không khí tuyệt diệu của đầm Thị Tường và thưởng thức những món hải sản tươi rói vừa vớt lên từ mặt nước, các nhà văn hoàn toàn bị chinh phục. Thêm một vài lần nữa, rồi chẳng biết từ khi nào, nhà Hai Hùng thành điểm đến hấp dẫn của cánh nhà văn, nhà báo khi tới Cà Mau. Đến thời điểm này, đây là địa chỉ homestay (du lịch ở lại nhà dân) duy nhất của anh em văn nghệ sĩ. Hai Hùng vừa là ông chủ rộng rãi, dễ mến, vừa là “hướng dẫn viên du lịch” hào phóng, ân cần. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng vào ở nhà ông mấy ngày, được ông lái xuồng đưa đi rong ruổi khắp khu đầm, được lội nước bắt tôm, cá chẳng khác gì nông dân. Chẳng biết cần bao nhiêu thời gian để khám phá hết khu đầm tự nhiên dài hơn 10 ki-lô-mét và nơi rộng nhất cũng tới 2 ki-lô-mét, được mệnh danh là “đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu Long”. Khi bình minh hé rạng? Lúc chiều buông? Đêm trăng cao vời vợi? Hay khi mưa, sóng ì oạp vỗ, nửa đêm tỉnh giấc, nước dâng lên lúc nào ướt đẫm lưng nằm?



Vuông vải ni-lon trải giữa nhà.Hai Hùng xới cho mỗi người một tô cơm đầy. “Trong này nói ăn nhậu, nghĩa là ăn xong mới nhậu, chứ không như ngoài Bắc các anh nhậu rồi mới ăn đâu nha!”. Chị Hai đặt hai cái lò nướng. Tôm, cua, cá... nướng tới đâu, ăn tới đó, tươi ngọt từ đầu lưỡi cho đến khi trôi tuốt vô bụng. Hai Hùng bê ra một chai nhựa, óng ánh màu hổ phách. “Rượu pha mật ong ruồi rừng đước đây, uống cả ngày đảm bảo không say!”.

Bên ngoài mưa đã tạnh.Trời xanh đột ngột hiện ra, điểm những chùm mây trắng lửng lơ trên đầm. Cuộc nhậu vào hồi cao trào, Hai Hùng gọi: “Bà xã! Mở cho tôi cái máy lạnh!”. Chúng tôi ngơ ngác nhìn quanh, ở giữa đầm mà cũng lắp máy điều hòa nhiệt độ ư, ông nội này chơi ngông thật! Chị Hai tủm tỉm cười, đi về phía cuối nhà, vén tấm mái che làm bằng vải bao tải dứa lên, chắc lúc nãy vì sợ mưa tạt nên đã hạ xuống. Một luồng gió hào phóng thổi xuyên qua mặt đầm, mát rượi. Chiếc máy điều hòa thiên nhiên của Hai Hùng quả là không đâu có được. Chúng tôi ngả lưng xuống sàn gỗ và thiếp đi lúc nào không hay...

Các nhà nghiên cứu đã lý giải tính cách hào sảng, thân thiện, luôn rộng cửa đón khách của người dân vùng cực Nam đất nước là do thiên nhiên cùng điều kiện sản xuất và sinh hoạt mang lại. Nhà họ cách xa nhau hàng ki-lô-mét, làm ăn độc lập theo từng gia đình, như Hai Hùng đây, quanh năm với con cá, con tôm, con cua, con rạm ở giữa đầm là chính. Nguồn thuỷ, hải sản dồi dào, việc kiếm sống không quá khó khăn, nay hết mai lại có, nên “ăn hết nhiều, chứ ở hết bao nhiêu/nhà cửa tà tà che lá dừa lá mía/nón áo khỏi lo nhưng nhậu phải đều đều...” (thơ Nguyễn Duy). Trong một không gian như vậy, họ vừa có tính liên kết cộng đồng riêng rẽ, vừa có xu hướng mở ra, giao lưu với các cộng đồng khác để chia sẻ, học hỏi. Từ đó, hình thành những nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước.

Khi chúng tôi tỉnh dậy thì trời đã ngả sang chiều. Cho dù Hai Hùng nhiệt tình mời ở lại chơi một đêm trên đầm “cho biết” thì công việc ngày mai cũng không cho phép. Chúng tôi lại phải trở về với thành phố chật chội, di chuyển trong những làn đường đông nghẹt lúc tan  tầm, hít khói xe và bụi đường, chẳng còn tâm trí đâu mà ngước nhìn bầu trời xanh cao rộng, hưởng làn gió điều hòa thiên nhiên ban tặng như ở đây. Nhưng phải chăng vì vậy mà những chuyến đi xa luôn vẫy gọi ta, những ham muốn tìm tòi, khám phá vẫn luôn giục giã những cuộc lên đường mới...

Theo Hữu Việt (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Sóng nước Cà Mau" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.