Sóc Trăng mùa lễ hội

13/10/2015 16:11

Theo dõi trên

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nên một năm có rất nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ. Chính những lễ hội này, từ lâu đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Sóc Trăng ngày một đông đảo hơn.



Đua ghe ngo

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là tỉnh có rất nhiều điểm du lịch, bao gồm cả du lịch sinh thái, tín ngưỡng và lịch sử hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhưng du khách đến với Sóc Trăng đông nhất vẫn là vào các mùa Lễ Hội, với những sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, đặc sắc, độc đáo. Có thể nói, những hoạt động lễ hội ở Sóc Trăng dường như diễn ra xuyên suốt trong năm, tại nhiều địa phương của tỉnh. Hàng năm vào hai ngày 14 – 15/2 âm lịch, tại ấp Đôn Chếch, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu đều tổ chức lễ hội Chrorumchec (cúng Phước Biển). Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer vùng biển Vĩnh Châu, được tổ chức nhằm tạ ơn biển cả đã cho họ nhiều nguồn hải sản quý giá. Đến với lễ hội này du khách sẽ được hòa mình vào những nghi lễ tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ. Đó là lễ cầu siêu, cầu nguyện tam bảo, cầu quốc thái dân an và những hoạt động vui chơi giải trí như múa, hát, đua bò kéo xe, đua ghe ngo trên cạn...Tại vùng quê An Trạch, trong các ngày từ 16 – 18/3 âm lịch hàng năm lại diễn ra Lễ Hội Slathodon (cúng Dừa) tổ chức ở ngôi chùa Mahasal Thatmon cổ kính. Đây là một Lễ Hội mang đậm tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp có nguồn gốc từ cổ xưa thu hút nhiều du khách tham dự. Hàng năm ở vùng biển Kinh Ba, huyện Trần Đề, tại Lăng Ông Nam Hải vào ngày 21/3 âm lịch lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông.

Đến đây vào dịp này, du khách sẽ được hòa vào dòng người diễu hành cùng đoàn múa lân rộn ràng, bước lên thuyền ra biển để cúng bái Ông theo nghi lễ truyền thống, mang đậm tín ngưỡng tâm linh thiêng liêng. Hàng năm vào quãng giữa tháng 4 dương lịch, đồng bào Khmer Sóc Trăng lại tổ chức lễ hội Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây (lễ hội đón chào năm mới) là một trong ba lễ lớn trong năm, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư và du khách thập phương. Tết Đoan Ngọ 4, 5/5 âm lịch, một lễ hội sông nước miệt vườn mang dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, nhằm tôn vinh trái cây và người làm vườn, mừng vụ mùa ấm no diễn ra tại cồn Mỹ Phước, xã  Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách.




Thả đèn gió

Tham gia vào lễ hội này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mâm trái cây (lễ vật chính của lễ hội) được trang trí, tạo hình công phu với biểu tượng tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng), bởi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân miệt vườn. Trong 3 ngày từ 29/8 đến 1/9 âm lịch hàng năm, tại hầu hết các ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng đều được giăng đèn kết hoa, trang trí thật lộng lẫy để tổ chức lễ Đôn ta, hay còn gọi là lễ cúng ông bà (Píth sên Đôn ta). Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, người thân, tạ ơn người đã khuất, cầu phước lành cho người còn sống (giống như lễ Vu lan của người Việt). Suốt trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được tham gia vào những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật truyền thống Khmer độc đáo, sinh động thú vị...Lễ Hội ở Sóc Trăng diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều thời điểm khác nhau trong năm, nhưng được tổ chức với quy mô hoành tráng nhất, ấn tượng nhất, thu hút đông đảo người tham gia nhất vẫn là Lễ Hội oc om  boc và đua ghe ngo truyền thống diễn ra vào hai ngày 14 – 15/10 âm lịch hàng năm. Lễ Hội này đã trở thành thương hiệu của Sóc Trăng và là điểm nhấn du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước. Lễ Hội oc om boc, hay còn gọi là Lễ Hội Cúng Trăng, vì theo quan niệm của người Khmer Nam bộ, mặt trăng chính là vị thần cai quản về thời tiết và mùa màng.Trong Lễ Hội này, phần lễ được tiến hành tại các ngôi chùa trong phum, sóc (khi mặt trăng lên cao) với nghi lễ truyền thống dâng cúng những sản vật không thể thiếu như: Dừa, chuối, khoai môn, khoai lang, bánh in và cốm dẹp (đặc sản của đồng bào Khmer Nam bộ). Ngoài phần lễ, là phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hấp dẫn du khách.

Tại thành phố Sóc Trăng trong đêm lễ hội, tôi đã được chứng kiến bên cạnh những hoạt động về văn hóa, nghệ thuật như biểu diễn ca, múa, nhạc mang tính đặc trưng truyền thống Khmer, còn có một cuộc thi thả đèn gió hết sức kỳ thú và ngoạn mục. Giữa bầu trời đêm vằng vặc trăng rằm lộng gió, từng chiếc đèn gió với ánh sáng của những ngọn nến lung linh được thả lên bay lơ lửng thật huyền ảo. Đây là trò chơi dân gian có từ lâu đời, mang ý nghĩa tượng trưng cho khát vọng, đức tin con người gửi thông điệp tới thần Mặt Trăng cầu mong sự an lành, ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Thả đèn nước cũng là một trong những hoạt động hấp dẫn, mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh thật sinh động. Những chiếc đèn được làm bằng thân và bẹ chuối, tạo hình, trang trí hoa văn công phu, giống như một ngôi đền có treo cờ, phướn và gắn với hệ thống đèn nhiều màu sắc rực rỡ, thả bồng bềnh trên sông nước trong đêm lễ hội.




Thả đèn nước

Đèn nước, theo truyền thuyết chính là tượng trưng cho dấu chân Đức Phật còn lưu lại bên bờ hồ Namăttea để độ chúng sinh. Nhưng, trong phần hội, một sự kiện khiến hàng ngàn, hàng vạn người mong đợi nhất, diễn ra tưng bừng, sôi động, náo nhiệt nhất, chính là cuộc đua ghe ngo truyền thống trên sông Sung Dinh. Đây là cuộc tranh tài quyết liệt, vừa phô diễn sức mạnh, tài nghệ vừa mang tính cộng đồng đoàn kết, giữa nhiều đội ghe đến từ nhiều ngôi chùa Khmer trong vùng đồng bằng sông Cửu Long: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và cả nước bạn Campuchia. Trong tiếng nhạc ngũ âm, tiếng trống, tiếng hò reo các đội lần lượt đua tài vang động một khúc sông, làm cho không khí ngày lễ hội thêm hào hứng và ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách. Trước đây, đua ghe ngo cũng là một trong những nghi thức truyền thống mang ý nghĩa đưa thần Nước về với biển cả, sau vụ mùa và là nghi thức tôn giáo nhằm tưởng nhớ thần Rắn Nagar đã hóa thân thành khúc gỗ (ghe ngo) đưa Đức phật sang sông. Chính vì thế, đối với người Khmer Nam bộ, ghe ngo được xem là tài sản quý giá, thiêng liêng được bảo quản trong các ngôi chùa. Ngày nay, cuộc đua ghe ngo ở Sóc Trăng trong lễ hội oc om boc đã trở thành một sự kiện văn hóa, thể thao lớn nhất, hấp dẫn du khách nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Lương Định (Lao động và Xã hội)

Bạn đang đọc bài viết " Sóc Trăng mùa lễ hội " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.