Sau phim tấu hài dung tục, điện ảnh Việt cần hơn sự tử tế

02/12/2015 09:52

Theo dõi trên

“Cởi trần, khoe thân triệt để nhưng vẫn ngấy” - sau hàng loạt bộ phim bị chê bai là tấu hài vô nghĩa, phản cảm, dung tục, “mì ăn liền”, điện ảnh Việt đang cần nhiều hơn những bộ phim tử tế như Yêu, hay trước đó là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...



Chi Pu và Gil Lê (vai Nhi và Tú) trong phim Yêu - Ảnh: ĐPCC

Bộ phim đồng tính nữ Yêu dù vẫn gây tranh cãi, có người thích người không, nhưng nhiều phản hồi thiện cảm dành cho Yêu là một bằng chứng cho thấy với một tư duy tử tế, các nhà làm phim hoàn toàn có thể xử lý những đề tài bị xem là “nhạy cảm” một cách hiệu quả và thành công.

Trước Yêu đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đụng đến đề tài người đồng tính và tình yêu đồng tính. Có những phim gây ấn tượng, được khán giả ủng hộ, nhưng cũng có không ít phim bị chê là phản cảm, nhố nhăng.

Không phải là đề tài, trên thực tế, thành công hay thất bại của bộ phim phụ thuộc vào tư duy nghệ thuật và trách nhiệm của người làm phim ngay ở thời điểm ban đầu.

Như nhân vật “chị Hội” của đạo diễn Charlie Nguyễn. Trong Để Mai tính, Hội “bóng” từ đầu đến chân, nhưng cái cách đạo diễn kể chuyện về “chị” lại là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công cho bộ phim.

Đơn giản bởi đạo diễn với tư duy nghiêm túc nên xây dựng hình tượng Hội có đầy đủ máu thịt và cảm xúc, vì thế nên gần gũi, thú vị và được cảm thông. Trong khi đó, Để Hội tính (tức Để Mai tính 2) thực chất chỉ là hành động “rang cơm nguội” của đạo diễn Charlie Nguyễn.

Ăn theo thành công cũ một cách dễ dãi nên bộ phim chỉ là một màn tấu hài vô nghĩa. Nhân vật Hội từng được yêu mến bỗng trở thành một trò hề lố lăng, kệch cỡm, thậm chí còn bị cộng đồng LGBT ở Việt Nam lên án là “xúc phạm người đồng tính”.

Tương tự là phản ứng trái chiều của giới truyền thông và khán giả đối với hai bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt và Con ma nhà họ Vương.

Hotboy nổi loạn lồng ghép tình yêu đồng tính vào bối cảnh cuộc sống xã hội hiện thực, kể câu chuyện cuộc đời của những người bị gạt ra bên lề nên đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khán giả.

Ngược lại, Con ma nhà họ Vương sử dụng yếu tố đồng tính để “chơi nổi”, gây sốc nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Vì vậy trong phim có vô số cảnh trai đẹp cường tráng khoe da thịt hoàn toàn không có tác dụng gì đối với nội dung phim.

“Cởi trần, khoe thân triệt để nhưng vẫn ngấy” - có ý kiến phê bình như vậy cũng không phải là quá lời.




Một cảnh đáng yêu trong phim Yêu

Từ đó có thể thấy sự lựa chọn của êkip làm phim quyết định chất lượng của tác phẩm, kể cả khi chạm vào đề tài bị xem là “nhạy cảm” như đồng tính.

Nghiêm túc sẽ có phim hay, dễ dãi sẽ dẫn tới sự phản cảm. Với phim Yêu, nhóm làm phim hoàn toàn có đủ điều kiện để chạy theo con đường thứ hai hòng kiếm tiền.

Đã từ lâu báo lá cải và cư dân mạng xôn xao về quan hệ “bí ẩn” của Chi Pu và Gil Lê, hai cô gái nổi tiếng của giới showbiz Việt. Các nhà làm phim Yêu hoàn toàn có thể lợi dụng sự xôn xao đó để mở chiến dịch PR kích động sự tò mò của khán giả và đưa vào phim những cảnh yêu đương đồng tính mùi mẫn, khoe da hở thịt.

Nhưng Yêu không đi theo con đường tối đó. Tư duy tử tế được thể hiện rõ trong từng thước phim. Không vội vàng đẩy hai nhân vật Nhi và Tú vào cuộc tình kích động sự tò mò, đạo diễn Việt Max đòi hỏi sự kiên nhẫn của khán giả khi từ tốn kể câu chuyện hai người bạn thân thiết từ thuở nhỏ, vì hoàn cảnh bất ngờ nên phải cách xa nhau.

Mối quan hệ của Nhi và Tú được lý giải một cách thấu đáo, cụ thể và chân thực. Vì thế khoảnh khắc Tú và Nhi nắm tay nhau, hôn nhau dưới mưa trong ngõ vắng đến một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.

Đồng tính hay không, tình yêu của họ cũng giống như bất kỳ cảm xúc lứa đôi của bất kỳ cặp đôi yêu nhau nào trên đời. Không chỉ xoay quanh chuyện tình đồng tính, Yêu còn là câu chuyện về tình cảm gia đình, bạn bè gợi xúc động.

Chính vì sự tử tế trong tư duy của người làm phim nên Yêu trở thành một tác phẩm sạch, đẹp. Một vài hạt sạn là không đủ để phủ nhận những thành công thật sự của Yêu.

sau hàng loạt bộ phim bị chê bai là tấu hài vô nghĩa, phản cảm, dung tục, “mì ăn liền”, điện ảnh Việt đang cần nhiều hơn những bộ phim tử tế như Yêu, hay trước đó là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...

Theo Hiếu Trung (TTO)

Bạn đang đọc bài viết "Sau phim tấu hài dung tục, điện ảnh Việt cần hơn sự tử tế " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.