Sân khấu cải lương TPHCM: Nhộn nhịp trước ngày thi tài

30/10/2015 14:54

Theo dõi trên

Trong tháng qua, sân khấu TPHCM nhộn nhịp không khí tập luyện khẩn trương và ra mắt công chúng một số vở cải lương mới, được đầu tư chăm chút công phu và đa dạng về đề tài, nội dung, phong cách dàn dựng; bên cạnh một số vở cải lương đã công diễn từ năm 2011 đến nay. Đây là những vở cải lương của các đơn vị công lập và sân khấu xã hội hóa TPHCM tham gia “Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015”, tổ chức tại Nhà hát Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 6 đến 23-11-2015.

Với sự tham gia của 26 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cùng sự góp mặt, góp sức của các NSND, NSƯT, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu các thế hệ… ở những vai trò, vị trí khác nhau sẽ giúp làm nên những tác phẩm sân khấu cải lương mang đặc trưng rất riêng của từng đơn vị tại cuộc thi. Đây là những vở diễn mới, có chất lượng, góp thêm vào đời sống sân khấu những nét đẹp độc đáo, những ý tưởng, phong cách dàn dựng tươi mới, phù hợp với sự đòi hỏi hoạt động phát triển của nghệ thuật truyền thống giữa cuộc sống hiện đại.

TPHCM có 7 vở cải lương tham gia cuộc thi chuyên nghiệp năm nay.  Trong đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dự thi các vở: Chiến binh (tác giả: Chu Lai, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), Lâu đài cát (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Linh Trung) và Đời như ý (tác giả: Bùi Quốc Bảo, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt). Đây là những vở cải lương được nhà hát đầu tư dàn dựng và đã công diễn phục vụ khán giả trong năm qua. Cả 3 vở cải lương đều đem đến cho người xem những cảm nhận khác nhau về cuộc sống, số phận, thân phận con người giữa dòng đời nhiều gian nan, thử thách, nhưng trên hết, từng tác phẩm nghệ thuật sân khấu đều có một điểm chung - tôn vinh nghĩa tình cao quý, trong sáng, chất nhân văn, nhân hậu của con người Việt Nam, ngợi ca vẻ đẹp chân - thiện - mỹ… Góp mặt trong kỳ liên hoan này, Hội Sân khấu TPHCM tham gia vở Trung Thần (tác giả, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt) - một vở cải lương lịch sử khá lạ, kể về một giai đoạn lịch sử của đất nước với đầy sự phức tạp về thời cuộc, giai đoạn thời nhà Nguyễn lên cầm quyền. Câu chuyện xoáy vào 3 nhân vật trung tâm: Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Lê Văn Duyệt - những công thần, trung thần thời Nguyễn trong vòng xoáy quyền lực; sự sủng ái, những nghi ngờ, đố kỵ nơi hậu cung...
 
 
Cảnh trong vở Đời như ý của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

Về phía các đơn vị xã hội hóa, vở Bà chúa thơ Nôm (tác giả: Linh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) của “bà bầu” Linh Huyền - Công ty cổ phần nghệ sĩ Mê Kông và vở Trạng làm quan (tác giả: Huy Cơ, chuyển thể cải lương: Đăng Minh, đạo diễn: NSƯT Phạm Đỗ Kỷ) - Công ty TNHH Nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo, thiên về nghệ thuật cải lương dân gian, hài. Đặc biệt, ngay trong thời điểm sân khấu cải lương gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay, nghệ sĩ Minh Béo vẫn đầu tư kinh phí cho vở Trạng làm quan hơn 500 triệu đồng. Đây là vở diễn cải lương hài khá thú vị, tạo được nhiều tiếng cười dí dỏm, tươi vui cho người xem. Phía Công ty giải trí Lê Nguyên - sân khấu Sen Việt dựng vở Cõi thiêng (tác giả: Vương Huyền Cơ, chuyển thể cải lương: Đăng Minh - Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt), gửi gắm đến khán giả một câu chuyện thế thái nhân tình đầy kịch tính, xoáy vào đời sống, tình cảm của những con người miền quê chân chất, yêu rừng, sẵn sàng bảo vệ rừng.

Cả 7 vở cải lương mới dàn dựng, chưa công diễn và đã công diễn của TPHCM thể hiện được sự phong phú và đa dạng từ nội dung đến phong cách, thủ pháp dàn dựng. Chính sự đầu tư nghiêm túc trong làm nghề, cho ra mắt những tác phẩm sân khấu chất lượng của các nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả, soạn giả… luôn vững niềm tin yêu dành cho nghệ thuật truyền thống, đã như tiếp thêm sức mạnh gìn giữ chất lửa của sân khấu cải lương giữa thời điểm đời sống văn hóa dân gian dân tộc chịu nhiều áp lực trên con đường hoạt động và phát triển.

Theo THÚY BÌNH (SGGP Online)

Bạn đang đọc bài viết "Sân khấu cải lương TPHCM: Nhộn nhịp trước ngày thi tài " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.