Quần thể cây này nằm trong một khu rừng pơ mu có trên 1.200 cây, nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, trải dài trên điện tích 250 ha, cách huyện lỵ Tây Giang khoảng 40 km về phía tây. Qua khảo sát, ngành chức năng đã quyết định chọn 725 cây pơ mu là Cây Di sản Việt Nam.
Trong số này, có nhiều cây đường kính thân trên 2 m và hàng trăm cây khác có đường kính từ 1m trở lên. Cây pơ mu lớn nhất khu rừng có đường kính thân lên tới 2,5 m, cao 22 m, khối lượng gỗ hơn 48 m3. Đây được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Kể từ khi rừng cây pơ mu quý hiếm được phát hiện, huyện Tây Giang đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ, khoanh vùng và thực hiện việc đo đếm xác định số lượng cây tại đỉnh Zi'liêng. Ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm địa bàn, huyện Tây Giang còn huy động và phối hợp với lực lượng dân quân, người có uy tín của đồng bào bản địa cùng tham gia bảo vệ, tránh để rừng cây pơmu bị xâm hại.
Trao đổi trên báo điện tử Quảng Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cây pơmu có tên khoa học là Fokienia hodginsii (Dunn), là loài cây quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Việc công nhận quần thể pơmu Tây Giang là Cây Di sản Việt Nam được căn cứ theo hồ sơ đăng ký của Chủ tịch UBND huyện Tây Giang và kết quả xét duyệt của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam ngày 11.6.2015.
Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đã có quyết định công nhận 2 cây đa sộp ở thôn Arầng 1 (xã Axan) là Cây Di sản Việt Nam. Hai cây đa này có tuổi đời 700 năm, đường kính hơn 4m. Việc được công nhận quần thể trên là Cây Di sản sẽ là một lợi thế lớn để quảng bá hình ảnh thiên nhiên Tây Giang ra thế giới, qua đó thu hút đầu tư phát triển văn hóa, du lịch vùng cao tây Bắc Quảng Nam.