Tác giả bên mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực
Phải nói rằng, thành phố Rạch Giá bây giờ so với thị xã Rạch Giá ngày trước đã "thay da đổi thịt" rất nhiều. Sông Cái Lớn và sông Kiên như đôi cánh tay khổng lồ đang vươn mình sải rộng để ôm trọn cái thành phố xinh đẹp yêu kiều hiện đại vào trong lòng mình. Và nghe như nó chưa muốn dừng lại ở đấy, đôi cánh tay ấy vẫn đang vục xuống cào nước moi cát để vun tiếp vào lòng tạo thêm những bãi bồi mới trên hành trình mở đất phương Nam trên bờ biển Tây của đất Việt.
Về Rạch Giá lần này, ấn tượng trong tôi là cổng chào của thành phố và khu đô thị hiện đại trên vùng đất lấn biển. Cổng chào của Rạch Giá nằm ở ngay cửa ngõ thành phố bề thế như một Tam quan với ba ô cửa lớn cuốn vòm mang đậm nét kiến trúc văn hóa cổ truyền. Về đêm, cổng chào hiện lên rực rỡ, lung linh bởi sắc màu của hệ thống đèn chiếu làm rạng rỡ khu vực ngã tư đường Nguyễn Trung Trực - Lạc Hồng. Và, khu đô thị lấn biển với những tuyến phố thương mại sầm uất cùng các khách sạn cao trọc trời và những khu biệt thự, nhà hàng, quán cà phê xây nổi độc đáo trên mặt nước mênh mông dập dờn sóng nước. Không những thế, chiều chiều, bên bờ biển Tây, trong bóng hoàng hôn, thay cho những con sóng bạc đầu ngày đêm xô bờ, thay cho màu tím sẫm của không gian thì mặt biển mênh mông chỉ vang lên những tiếng ì oạp của nước biển xô vào thân tàu cùng gió biển lồng lộng. Cả trời, biển Rạch Giá liên tục thay màu trong buổi chiều hôm từ lấp lánh vàng chuyển sang tím, tím biếc và lam sẫm để cuối cùng là màn đêm đen thẳm buông xuống làm nổi bật những ánh sao sa muôn sắc tỏa ra từ những cao tầng bên biển. Chưa hết, hoàng hôn trên biển Rạch Giá còn cưc kỳ thơ mộng bởi những cánh hải âu chao lượn trên bầu trời hay sà xuống kiến ăn trên những khoang thuyền đang neo đậu trên bến cảng làm say sưa, mê mệt những ngã săn ảnh. Thế đấy, phố biển phương Nam nơi bờ Tây hiện lên thật sống động và không kém phần thi vị trong con mắt của người lữ hành phương Bắc.
Sức sống của phương Nam
Rạch Giá hôm nay thật hiện đại và thơ mộng. Nhưng nếu chỉ biết vậy thì e rằng còn chưa đủ với mảnh đất nơi cuối nẻo trời Nam này của đất Việt yêu thương. Nghe kể, từ xa xưa, thủa trước công nguyên, tiền thân của những người Óc Eo đã từng thiên di từ vùng núi cao Tây Nguyên xuống vùng đất bồi châu thổ sông Cửu Long tìm kiếm lúa nổi và thịt cá để sinh tồn. Theo năm tháng những con người ấy đã góp phần không nhỏ để tạo dựng lên một nền văn hóa đặc sắc với những thương cảng sầm uất một thời của vương quốc Phù Nam. Gần hơn nữa, trong khoảng ba trăm năm, thành phố trẻ trung này cũng đã từng là một trong bảy đơn vị hành chính của trấn Hà Tiên xưa còn in đậm dấu ấn khai phá của các lưu dân người Việt, người Hoa, người Khmer (chủ yếu là người Việt, người Khmer) trên những bãi bồi, gò cao bên các con sông, con lạch. Và như thế, từ những làng chài nhỏ bé ở nơi cửa sông, Rạch Giá đã phát triển, phồn thịnh nhờ giao thương và buôn bán lúa gạo. Cũng trong khoảng thời gian ấy, để bảo vệ giữ gìn cái mảnh đất tinh khôi “chưa khô bùn vạn dặm” của mình vừa khai phá được đã có biết bao thế hệ lưu dân Việt Nam kiên cường ngã xuống. Những lưu dân ấy vốn chỉ quen với “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy” nhưng một khi “súng giặc đất rền” thì họ không thể ngồi nhìn “một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu” và sẵn sàng “đâu dung lũ treo dê bán chó”. Bởi vậy trong đất bùn ấy bây giờ không chỉ có mồ hôi mà còn thấm đẫm máu đào của biết bao con người chân đất. Huyền thoại giữ đất phương Nam ở Rạch Giá đã và đang lưu truyền biết bao tấm gương “nghìn năm tiết rỡ” mà tiêu biểu nhất là người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Trong tiết thu tháng Tám chúng tôi về Rạch Giá vào đúng dịp người dân nơi đây đang chuẩn bị “cúng đình”, tổ chức lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực vào ba ngày từ hai mươi bảy đến hết ngày hai mươi chín. Được biết, đây là trọng lễ không chỉ của riêng vùng đất này mà của nhiều vùng ở miền Tây Nam Bộ nhưng lễ giỗ ở Rạch Giá là điểm chính nên thu hút rất nhiều người đến dự. Nghe kể, hằng năm, vào khoảng trung tuần tháng Tám, có rất nhiều người trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và khách thập phương tấp nập tìm về Rạch Giá để thắp hương và dự lễ giỗ. Người ta bảo, gần 150 năm nay lòng người Nam Bộ rất ngưỡng vọng nghĩa khí cụ Nguyễn nên bà con đã truyền nhau ghi nhớ: “Dù ai buôn bán gần xa, Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về”.
Trong dịp hành phương Nam lần trước, tôi đã một lần lỗi hẹn với cụ Nguyễn. Và lần đi này lòng đã tự hứa không để lỗi hẹn. Chúng tôi tìm về ngôi đình bên bờ sông Kiên thắp hương và viếng mộ người anh hùng. Đối diện với cửa biển cách đó không xa, bên dòng sông êm đềm, ngôi đình cụ Nguyễn nằm thanh tịnh dưới tán bồ đề xanh mát cạnh đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh. Phía trước của đình, trên sông Kiên, nhân dân Kiên Giang đã phục dựng chiến hạm Espérance (Hy vọng) của Pháp từng bị nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đốt cháy trên sông Nhật Tảo (một chi lưu sông Vàm Cỏ Tây) như để nhắc nhở và ghi nhớ mọi người về chiến công oai hùng một thủa.
Đứng bên bờ sông Kiên, đình thần Nguyễn Trung Trực hiện lên trước mắt tôi có qui mô không lớn lắm được thiết kế theo kiến trúc truyền thống, gồm có Chánh điện, Đông lang, Tây lang và phía bên ngoài là cổng ra vào làm theo lối Tam quan, đắp mái ngói âm dương, trên bờ nóc trang trí hình lưỡng long tranh châu sơn đỏ, hai bên trụ cổng đắp đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ sơn vàng trên nền đỏ. Đôi câu đối này được trích từ bài “Điếu Nguyễn Trung Trực” của sỹ phu Huỳnh Mẫn Đạt (Tuần phủ Hà Tiên): “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” (dịch nghĩa: Sông Nhật Tảo lửa hồng rực cháy, trời đất sáng choang/ Đồn Kiên Giang lưỡi kiếm tuốt ra, quỉ thần sợ khóc). Đôi câu đối này đã ghi lại và ngợi ca hai trận đánh, hai chiến công oanh liệt của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trong trận đánh năm 1861 trên sông Nhật Tảo và trận công đồn Rạch Giá năm 1868. Phía trước Chánh điện có đặt một lư hương lớn và bức tượng Nguyễn Trung Trực cầm gươm oai nghiêm, uy nghi, lẫm liệt nhìn khí thế rất hiên ngang, bất khuất.
Ngôi chánh điện nhìn mềm mại nhưng trang nghiêm với mái ngói uốn cong bốn góc, ở các viền góc trang trí hoa văn hình rồng và lá cúc. Mặt trước chánh điện có hai trụ cột đắp nổi hình rồng cuộn, uốn lượn quanh cột để thể hiện uy quyền và sức mạnh. Trong chánh điện có rất nhiều bài vị. Phía ngoài là bài vị Chánh soái Đại càn, di ảnh Nguyễn Trung Trực, chư vị hội đồng trăm quan cựu thần, thờ tiền hiền, đồng bào nghĩa quân liệt sĩ. Phía trong có ba ngai thờ chính của đền: chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực; bên trái là ngai thờ cụ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân. Phía trên bệ thờ Nguyễn Trung Trực, có bức hoành ghi bốn chữ: “Anh Khí Như Hồng” (ca ngợi khí tiết anh hùng của Nguyễn Trung Trực sáng như cầu vồng bảy sắc). Phía Tây đền thờ là mộ Nguyễn Trung Trực xây hình chữ nhật, đặt xuôi theo đình, nhìn ra sông. Trong khuôn viên đình, bên phải, Đông lang là nơi đặt phòng thuốc nam phúc thiện, bốc thuốc cứu chữa cho người nghèo; bên trái, Tây lang là nơi đặt phòng làm việc của Ban quản lý di tích và tiếp khách, trưng bày những tư liệu, hiện vật của đình và cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực.
Theo gia phả của hậu duệ Nguyễn Trung Trực còn lưu giữ và các sử liệu ghi chép, cụ Nguyễn sinh ra và lớn lên ở một xóm chài Bến Lức nhưng quê gốc lại ở Bình Định. Nguyên do là ông nội của Nguyễn Trung Trực vốn là ngư dân ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định đã cùng em trai dời quê vào lập nghiệp tại hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông tại thôn Bình Nhật, tổng Bình Chánh, huyện Thuận An, trấn Phiên An. Thủa ấy (cuối thế kỉ XVIII) khu vực này chủ yếu là các lưu dân Bình Định làm nghề biển vào đây sinh sống (làm nghề chài lưới) và đã tạo thành một xóm mới có tên gọi là “xóm Nghề”. Thủa nhỏ Nguyễn Trung Trực có tên gọi là Nguyễn Văn Lịch và thường được mọi người gọi bằng cái tên thân mật là "cậu năm Lịch" hoặc "anh chài Lịch". Cậu Lịch nổi tiếng thông minh và võ nghệ cao cường. Do tính tình bộc trực, thẳng thắn nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực và người đời đã đổi tên ông từ Nguyễn Văn Lịch thành Nguyễn Trung Trực.
Khởi đầu sự nghiệp, Nguyễn Trung Trực tham gia nghĩa quân của Quản Cơ Trương Công Ðịnh và được sung chức Quản Binh, chỉ huy nghĩa quân ở vùng Cần Ðước, Cần Giuộc (Long An). Cuộc đời ông nổi tiếng với hai trận đánh. Trận nổi tiếng thứ nhất là ngày 23 tháng 6 năm 1861, quân Pháp chiếm Gò Công (Tiền Giang) rồi cho chiến hạm Espérance án ngữ trên sông Nhật Tảo nhằm hỗ trợ cho quân bộ. Espérance là một chiến hạm chạy bằng hơi nước làm bằng gỗ bọc đồng, nhôm; có thể cơ động ra vào những nơi lạch cạn. Trên chiến hạm trang bị một đại bác cùng nhiều vũ khí hiện đại. Espérance là một tàu chiến thuộc đội pháo thuyền nổi tiếng của Pháp thời đó. Chỉ huy tàu là Trung úy hải quân Parfait, cùng 42 lính lê dương. Trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng các thuộc hạ Võ Văn Quang, Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Học, Nguyễn Văn Điền, Hồ Quang Chiêu chỉ huy gần 150 nghĩa quân tham gia trận đánh. Sau khi bố trí xong lực lượng phục kích trên bờ, Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân đi 5 chiếc thuyền giả làm đoàn đám cưới tiến sát chiến hạm Espérance. Tên sĩ quan trực tàu tưởng là đoàn đón dâu vào xin phép lưu thông nên nhoài người ra cửa sổ tàu thì bất ngờ bị nghĩa quân dùng giáo đâm trúng ngực. Cùng lúc ấy, nghĩa quân từ năm tàu tay cầm gươm, cầm giáo và đuốc đốt đỏ lửa nhảy sang tàu xông vào đánh giáp lá cà với lính Pháp. Sau khi thấy trận chiến đã nổ ra, quân phục kích ở hai bên bờ đã nhanh chóng lao thuyền ra trợ chiến. Kết thúc trận đánh, nghĩa quân đã phóng hỏa thiêu hủy tàu giặc và đánh chìm xuống lòng sông. Quân Pháp bị tiêu diệt 37 tên và phía nghĩa quân cũng có 4 nghĩa binh hy sinh. Trận đánh đã giáng cho quân Pháp một đòn bất ngờ . Sau trận thủy chiến ấy quân Pháp phải dè dặt hơn và không dám hung hăng, ngàng tàng như trước nữa.
Tiếp đến, năm 1862, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã tấn công và tiêu diệt một đơn vị lính Pháp đóng tại Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Sau trận này, ông được thăng chức Thành Thủ Úy Hà Tiên. Lúc này, để chờ ký hiệp ước nghị hoà với Pháp, nhà vua đã chiếu truyền ông phải án binh bất động. Tuy nhiên Nguyễn Trung Trực đã không đi nhậm chức, tiếp tục theo đuổi con đường kháng chiến chống Pháp. Triều đình Huế phải giáng chỉ truyền Phan Thanh Giản và Trương Văn Uyển thuyết phục ông nhưng ông cũng không nghe, quyết giữ lập trường kháng Pháp bằng vũ lực.
Trận nổi tiếng thứ hai là vào năm 1868, Nguyễn Trung Trực lên kế hoạch và chỉ huy hạ đồn Rạch Giá. Theo kế hoạch, đêm 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân dùng thuyền bí mật đi từ biển vào, đổ bộ lên bờ rạch Lăng Ông và hợp quân với nghĩa binh đến từ Hòn Chông. Khoảng 4 giờ sáng, Nguyễn Trung Trực cho người đột nhập vào đồn giết chết lính canh, rồi phát lệnh tấn công. Nghĩa quân trèo tường, phá cổng và nhanh chóng xâm nhập vào đồn. Quân Pháp lúc này đang trong giấc ngủ nên không kịp trở tay. Kết quả, Trung úy hải quân kiêm thanh tra ở Rạch Giá (gọi là Chánh Phèn) cùng Trung úy Sauterne chỉ huy đồn và gần 30 binh lính bị tiêu diệt. Đồn Rạch Giá bị nghĩa quân Nguyễn Trung Trực triệt hạ một cách khá dễ dàng. Trận công đồn này tiếp tục giáng một đòn chí mạng vào quân Pháp. Đương thời nhà văn George Diirrwell coi đây là một sự kiện bi thảm của người Pháp ở Việt Nam.
Chiến hạm Espérance bên dòng sông Kiên
Sau khi chiếm đồn được hai ngày, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp sai Thiếu tá hải quân A. Léonard Ausart mang binh từ Vĩnh Long sang cứu viện. Đội cứu viện này còn được trợ giúp Tổng đốc Lộc, Tổng đốc Phương. Nghĩa quân ra sức chống trả và ngăn bọn Pháp từ xa nhưng do chênh lệc về người và vũ khí nên Nguyễn Trung Trực phải rút quân và lui về Hòn Chông, Ba Trại và cuối cùng là ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm mưu sự chống Pháp dài lâu. Thừa thắng, quân Pháp đã cho bao vây nghĩa quân ở Phú Quốc suốt mấy tháng dòng. Nghĩa quân hết lương thực. Để cứu nghĩa quân khỏi chết đói và thoát khỏi bị tiêu diệt, Nguyễn Trung Trực đã tự ra hàng (có người bảo rằng quân Pháp đã đê hèn bắt mẹ ông để ép hàng). Người ta kể rằng, trước khi ra hàng, Nguyễn Trung Trực đã triệu tập nghĩa quân và nói rằng: Các bạn hãy tìm cách phân tán, chờ tin tôi chết để phóng thích cho mẹ già; dân đảo Phú Quốc vô tội, nghĩa quân Kiên Giang. Khi ấy, giặc Pháp sẽ nới lỏng vòng kiềm tỏa các bạn tùy thời tìm lấy sinh lộ hoặc nuôi lấy ý chí tiến hành công cuộc đại nghĩa. Ðừng bao giờ các bạn nghĩ tới chuyên buông xuôi với kẻ bất cộng đới thiên. Tên tuổi chúng ta mất hay còn, vinh hay nhục đều do tinh thần và hành động của mình định đoạt. Khi ông vừa dứt lời, tất cả nghĩa quân đều khóc, có người quỳ xuống ôm lấy chân ông xin sống chết cùng ông. Ông sai một nghĩa quân lấy dây trói ông lại nhưng không ai can tâm làm việc này. Cuối cùng, ông và một nghĩa quân từ biệt mọi người và ra đi. Trên đường đi, ông bứt vài cọng dây bông súng biển tự trói lấy để ra vẻ người ra đầu thú. Ông ngồi trên một chiếc xuồng nhỏ do người nghĩa quân đi theo chèo tới chiếc tàu Pháp đang đậu ngoài khơi.
Bắt được Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông về giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) chúng dùng người ra sức mua chuộc dụ dỗ ông nhưng Nguyễn Trung Trực nhất mực không qui thuận và đề nghị sớm xử tử mình. Ngày 27 tháng 10 năm 1868 (tức ngày Hai mươi tám tháng Tám năm Mậu Thìn), chính quyền thực dân Pháp đã đưa Nguyễn Trung Trực trở về Rạch Giá và hành quyết ông tại chợ. Năm ấy ông 30 tuổi. Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực yêu cầu quân Pháp cởi trói, và không bịt mắt để nhìn đồng bào và quê hương lần cuối. Tại pháp trường, bô lão làng Tà Niên đã trải xuống chân ông một chiếc chiếu hoa có chữ “Thọ” màu đỏ tươi ở giữa để ông đứng vào giữa. Tại đây, Nguyễn Trung Trực đã từ giã đồng bào và thể hiện khí phách hiên ngang của người dân nước Việt. Nghe kể, khi ấy, Nguyễn Trung Trực đã ngâm bài thơ: "Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên/ Yêu gian đàm khí hữu long tuyền/ Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/ Bảo hận thâm cừu bất đái thiên" (Nhà thơ Đông Hồ dịch là: "Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai/ Phong trần hăng hái tuốt gươm mài/ Anh hùng gặp phải hồi không đất/ Thù hận chang chang chẳng đội trời") và nói một câu nổi tiếng, để đời với kẻ thù và mọi người rằng: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". Nói xong, Nguyễn trung Trực đứng lên vén tóc gáy, nghểnh cổ bảo tên đao phủ chém thật mạnh để đầu đứt lìa. Theo truyền thuyết, khi đao phủ hạ thủ, tuy đầu lìa khỏi cổ nhưng Nguyễn Trung Trực vẫn kịp đưa hai tay hứng lấy, đặt lại trên cổ rồi cả thân và đầu mới ngã gục xuống. Cái khí phách ấy của ông khiến kẻ thù có mặt ở đấy phải kinh hoàng và cảm phục!
Nghe tin Nguyễn Trung Trực bị hành hình, vua Tự Đức đã chính tay ngự bút và sai Hoàng Giáp Lê Khắc Cẩn làm lễ truy điệu và đọc bài điếu rằng: “Giỏi thay người chài/ Mạnh thay quốc sĩ/ Đốt thuyền Nhật Tảo/ Phá luỹ Kiên Giang/ Thù nước chưa xong/ Thân sao đã mất/ Hiệu khí xưa nay/ Người nam tử ấy/ Máu đỏ cát vàng/ Hỡi ôi thôi vậy/ Ngàn năm hương khói/ Trung nghĩa còn đây". Đồng thời vua đã sắc phong ông “Thượng Đẳng Linh Thần” và thờ tại chính nơi ông đã hiên ngang chịu chết chứ không chịu đầu hàng quân giặc. Sau khi Nguyễn Trung Trực hy sinh, nhân dân Rạch Giá rất khâm phục và cảm thương vô cùng. Họ đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải Đại Vương (ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực hiện nay). Và không chỉ có Rạch Giá thờ Nguyễn trung Trực, nhiều nơi trên đất Kiên Giang và nhiều vùng khác ở vùng sông Cửu Long cũng đã thờ ông, thậm chí nhiều nhà dân ở miền Tây treo di ảnh ông và thờ riêng như cửu huyền thất tổ của họ.
Có thể nói, Nguyễn Trung Trực đã cùng với Trương Công Ðịnh, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương làm thành bộ “Tứ Hùng Nam Bộ”. Bộ tứ này đã tung hoành khắp Nam Kỳ lục tỉnh khiến quân Pháp phải nhiều phen hoang mang khiếp đảm. Tuy ra đi ở tuổi 30, nghiệp lớn chưa thành nhưng cuộc đời và khí phách sáng ngời của Nguyễn Trung Thực đã sống mãi trong lòng dân. Ông xứng đáng là người anh hùng theo đúng nghĩa: “sống làm tướng, chết làm thần". Ngày 22 tháng 3 năm 1988, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận đình và phần mộ Nguyễn Trung Trực trên quê hương Rạch Giá là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Bây giờ chốn ấy ngày đêm nghi ngút khói nhang của các hậu thế tìm về tri ân người anh hùng đầy nghĩa khí, bất khuất của đất phương Nam.