Quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô

09/07/2015 08:25

Theo dõi trên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa.

 
 Thành Cổ Loa. Ảnh: Internet

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát triển Khu di tích thành Cổ Loa; Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Khu di tích thành Cổ Loa, xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án; Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể không gian Khu di tích theo Quy hoạch; Quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan Khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích, hạn chế tăng trưởng dân số và tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan.

Phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Về phân vùng quản lý, khu di tích được quản lý theo 4 phân vùng: Phân vùng Lõi (khoảng 31,2 ha) bao gồm Thành Nội và khu Cánh cung phía Nam Thành Nội; Phân vùng Trung (khoảng 225,3 ha), từ thành Trung đến phân vùng lõi; Phân vùng Ngoại (khoảng 247,3 ha), từ hành thành Ngoại vào đến phân vùng Trung; Phân vùng Biên (khoảng 356,6 ha), từ ranh giới quy hoạch vào đến phân vùng Ngoại.

Hệ thống di sản vật thể có khoảng 60 hạng mục, được xác định 02 khu vực bảo vệ: Khu vực bảo vệ I là ranh giới trực tiếp chứa di sản vật thể, trùng với ranh giới khuôn viên di tích đơn lẻ, quần thể di tích hoặc khu chứa di chỉ khảo cổ học, đối với di tích thành hào sẽ dựa trên dấu vết thành hào, có chiều rộng biến thiên theo hiện trạng, rộng trung bình khoảng 90 – 120m;

Khu vực bảo vệ II được xác định từ ranh giới khu vực bảo vệ I, đối với di tích đơn lẻ, quần thể di tích hoặc khu chứa di chỉ khảo cổ học: rộng 25m nếu tiếp goáp khu dân cư, rộng 50m nếu tiếp giáp đất nông nghiệp, đối với di tích thành hào: rộng 50m nếu tiếp giáp khu dân cư, rộng 100m nếu tiếp giáp đất nông nghiệp. Các công trình kề cận với khu vực bảo vệ I và II được quy định giới hạn về khối tích và hình thức kiến trúc để làm nổi bật vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa của di tích.

Khu di tích thành Cổ Loa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của thủ đô cũng như của đất nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều di tích lịch sử khác, những thách thức của quá trình đô thị hóa đang gây ảnh hưởng tới việc bảo tồn sự toàn vẹn của di tích. Việc lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa có vai trò quan trọng và được gắn với định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.