Quốc Tử Giám, dấu vết trường đại học đầu tiên của triều Nguyễn

27/11/2014 00:07

Theo dõi trên

Được xem là trường quốc học duy nhất xây dựng dưới triều Nguyễn, Quốc Tử Giám, nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế được công nhận là di sản thế giới, có tính lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Ngôi trường đại học Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn năm nào vẫn tồn tại giữa lòng cố đô Huế với một kiến trúc độc đáo và nguyên vẹn.



Quốc Tử Giám Huế vẫn còn nguyên vẹn như kiến trúc ban đầu 

Độc đáo kiến trúc 

Sau khi lên ngôi vua năm 1802, vua Gia Long bắt đầu công cuộc tìm kiếm nhân tài để đào tạo nhằm xây dựng nước nhà giàu mạnh. Để thực hiện công việc đó, năm 1803 vua Gia Long cho xây dựng Đốc Học Đường, cạnh Văn Miếu tại địa phận An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà, cách kinh thành Huế 5km để đào tạo nhân tài.

Đốc Học Đường được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Đốc Học Đườn được dời vào bên trong Kinh thành, nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, ở số 1 đường 23 tháng 8, phường Thuận Thành, TP.Huế. 


Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng cho đổi tên Đốc Học Đường thành trường Quốc Tử Giám và tồn tại cho đến ngày nay. Quốc Tử Giám từ lúc được xây dựng, qua các đời vua triều Nguyễn thì di tích ngày càng hoàn thiện về mặt kiến trúc, xứng đáng với trường đại học đầu tiên của chế độ phong kiến triều Nguyễn.

Năm 1821, vua Minh Mạng cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài.

Đến thời vua Tự Đức, trường được tiếp tục xây dựng và mở mang thêm. Năm 1848, xây thêm tường bao bọc và dãy cư xá, mỗi bên 2 gian. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên ra vào. Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế Tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao khi xây dựng theo kiến trúc của Cung Bảo Định. Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Cho đến ngày nay, Quốc Tử Giám với kiến trúc cung đình thuở nào vẫn tồn tại một cách nguyên vẹn giữa lòng cố đô Huế.
 


Bia thị học Quốc Tử Giám trên đường 23 tháng 8



Sau năm 1945, dù đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình là đào tạo nhân tài, thế nhưng trường Quốc Tử Giám vẫn  đóng góp hết sức to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, là nơi lưu lại dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn



Khuôn viên trưng bày các hiện vật chiến tranh

Nơi in dấu của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng triều Nguyễn

Trước đây, ở nước ta, Quốc Tử Giám đầu tiên đã được thành lập vào năm 1076 tại Kinh đô Thăng Long dưới thời Lý và vẫn tồn tại cho đến ngày nay tại Văn Miếu, Hà Nội. Trong lịch sử triều Nguyễn đã cho dời Quốc Tử Giám vào Phú Xuân, Huế  đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thi Hội - Đình tại Thăng Long nên sinh viên cả nước bấy giờ chỉ có một trường Quốc Học nên tập trung một lượng sinh viên về học rất đông. Chính vì vậy, một lần ghé thăm trường, vua Tự Đức đã làm một bài văn gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành.

Toàn bộ nội dung bài văn này được khắc vào tấm bia dựng trước sân trường và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Sau năm 1945, dù đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình là đào tạo nhân tài, thế nhưng trường Quốc Tử Giám vẫn đóng góp hết sức to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, là nơi lưu lại dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn.

Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quốc Tử Giám Huế đã đóng góp công sức của mình trong việc đào tạo ra những nhân tài của đất nước và phản ánh một thời kỳ của lịch sử vàng son của đất nước khi đào tạo nhiều nhân tài. Kể từ khi Quốc Tử Giám Huế ra đời dưới thời vua Gia Long cho đến nay, nền giáo dục đại học ở Huế đã có lịch sử hơn hai thế kỷ với nhiều nhân tài, các nhà cách mạng của dân tộc cũng từ đây mà ra. Cho đến ngày nay, Quốc Tử Giám ở Huế vẫn còn lưu giữ được những kiến trúc truyền thống độc đáo của cung đình Huế xưa.

Tại Quốc Tử Giám ngày nay, vẫn còn những dấu vết của một thời vàng son đào tạo nhân tài của triều Nguyễn thuở nào. Hiện nay Quốc Tử Giám là nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá của triều Nguyễn xưa, có giá về lịch sử và là nơi lưu giữ các hiện vật cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.

 
Nguyên Hải

Bạn đang đọc bài viết "Quốc Tử Giám, dấu vết trường đại học đầu tiên của triều Nguyễn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.