Quảng Trị: Đảm bảo công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích

12/10/2022 23:04

Theo dõi trên

Đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra tại Kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

tc-103514-1665590608.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, kế hoạch hướng tới mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả Nghị quyết 167/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và Quyết định số 1450/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 về việc phê duyệt đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030. Huy động các nguồn lực xã hội hóa chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch bền vững. Phục dựng các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán độc đáo của địa phương; xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống nhằm phát duy giá trị các di sản văn hóa.

Bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu khảo sát, thực hiện các bước xây dựng lập hồ sơ các di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt danh mục di sản văn hóa quốc gia.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh.

Cùng với đó từng bước số hóa xây dựng hệ thống thông tin về di sản văn hóa phi vật thể, số hóa hiện vật bảo tàng; xây dựng hoàn chỉnh dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường. Đưa nội dung giảng dạy di sản văn hóa của địa phương vào bậc học phổ thông. Tổ chức các lớp truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương; tổ chức liên hoan, hội thi, giao lưu thực hành di sản văn hóa phi vật thể; thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở những địa phương có truyền thống.

Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến văn hoá phi vật thể.

Ngoài ra, thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách tại bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong Kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho 293 di tích; đầu tư quy hoạch 3 di tích Quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh; đầu tư bảo tồn, tôn tạo 8 di tích Quốc gia; đầu tư quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo 4 di tích Quốc gia; đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp 32 di tích cấp tỉnh. Kế hoạch nhằm ngăn chặn tình trạng hoang phế và xuống cấp của các di tích trên địa bàn tỉnh, qua đó hoàn thiện công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho hệ thống di tích đã xếp hạng cấp tỉnh; hoàn thành công tác xây dựng bia, biển cho các di tích cấp tỉnh còn lại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kết hợp ngân sách Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích trên phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên đối với các di tích thuộc loại hình lịch sử văn hóa quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng và các di tích phục vụ hoạt động phát triển kinh tế du lịch; gắn đầu tư tôn tạo với bảo vệ, quản lý khai thác và phát huy giá trị các di tích./.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Trị: Đảm bảo công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.