Quảng Ninh: Từng bước đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

28/04/2023 14:05

Theo dõi trên

Đây là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh đặt ra trong năm 2023.

qn-2363463-1682665488.jpg

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, Kế hoạch quản lý di sản Vịnh Hạ Long năm 2022, trong năm vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan đã tăng cường tối đa các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó tập trung công tác nghiên cứu khoa học; bảo vệ cảnh quan, môi trường Di sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tuyên truyền quảng bá, hoạt động hợp tác quốc tế... Tuy nhiên, bên cạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long vẫn còn một số khó khăn, bất cập: du lịch vịnh Hạ Long đã có sự khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh và sự suy giảm nền kinh tế thế giới sau dịch bệnh nên lượng khách quốc tế đến Hạ Long còn chưa nhiều; cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội...

Về cơ bản, các nhiệm vụ đã và đang được bám sát để triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, một số nhiệm vụ liên quan đến nhiều nội dung, cần nhiều thời gian thực hiện nên chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra, như: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức cắm mốc xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di sản trên thực địa; xây dựng Phương án quản lý du lịch vịnh Hạ Long.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát triển khai các nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch quản lý di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2040, trong đó:

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý di sản làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025; xây dựng Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm Di sản vịnh Hạ Long; cập nhật các ranh giới quản lý di sản trên bản đồ vịnh Hạ Long.

Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long: tăng cường đầu tư, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải ven bờ, trên vịnh; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên vịnh Hạ Long, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép...Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh Chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, giám sát và bảo vệ các giá trị di sản. Triển khai dự án Khu bảo tồn thiên nhiên vịnh Hạ Long và các nhiệm vụ quản lý khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long.

Tăng cường thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, từng bước đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long theo hướng hiện đại, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho du khách: triển khai thuê hệ thống phần mềm điện tử và hạ tầng bán, kiểm soát vé điện tử tham quan vịnh Hạ Long của các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, đáp ứng kịp thời yêu cầu chuyển đổi số của Tỉnh; cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên của vịnh Hạ Long...

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến với vịnh Hạ Long trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Cụ thể hóa việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại Đề án tổng thể phát triển du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô.

Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cộng đồng bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long. Tiếp tục triển khai nội dung giáo dục bảo tồn di sản vịnh Hạ Long trong Chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cấp học.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng, các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long. Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn môi trường kinh doanh du lịch; hoàn thiện quy định các biện pháp quản lý phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Quản lý hiệu quả phương tiện thủy phục vụ vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long theo Nghị định 48/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục bổ sung phương tiện, trang thiết bị và nhân lực... để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức trực tiếp quản lý Di sản và cộng đồng tham gia phục vụ du lịch trên vịnh Hạ Long. Tiếp tục mở rộng hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế trong công tác quản lý Di sản.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Ninh: Từng bước đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.