Mặt bằng khảo cổ Nguyên lăng, nơi chỉ còn lại một phần nhỏ dấu tích kiến trúc ban đầu. (Ảnh: baoquangninh).
Dự án tu bổ, tôn di tích chùa Hồ Thiên với tổng kinh phí 64 tỷ đồng (từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác) do UBND thị xã Đông Triều là chủ đầu tư sẽ được triển khai thực hiện trong 03 năm từ 2017 – 2019. Ranh giới dự án tu bổ, tôn tạo chùa Hồ Thiên có diện tích trên 18 ha, trong đó được phân chia thành nhiều phân khu khác nhau như: khu công trình phục hồi tôn tạo (gồm nhà Tổ, thất trụ trì, nhà nội tự, am Hàm rồng…); khu bảo tồn di tích - khu vực phát hiện dấu tích cổ (gồm: nền chùa, tháp cổ, nhà bia, dấu tích nền cổ nhà tăng, dấu tích nền cổ lò gạch) và các khu vực cây xanh, mặt nước, đất rừng bảo vệ…
Nguyên lăng (lăng Vua Trần Nghệ Tông) quay hướng Nam, nằm trên một sống đất cao, ba phía Đông - Tây - Bắc được bao bọc bởi dãy núi Đốc Trại. Lăng thuộc địa phận Khe Nghệ, thôn Bãi Dài, xã An Sinh. Sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ chép về Nguyên lăng như sau: “Bốn mặt vết tường gạch dài 1 trượng (3,3m), rộng 2 thước (0,66m). Mộ ở trong tường, có đường kính 3 thước 5 tấc (1,15m)”. Hiện nay, di tích đã bị phá hủy, chỉ còn là phế tích. Qua khai quật khảo cổ đã xác định được hai khu vực thuộc di tích là khu vực chính tẩm (trung tâm của lăng), khu vực hành lễ, huyệt mộ...
Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nguyên Lăng được thực hiện trên diện tích gần 2ha, các công trình kiến trúc gồm có: bảo tồn di tích lăng mộ, sân hành lễ, lối đi bộ quanh lăng mộ, khu vực trưng bày, bảo quản các di vật còn lại được tìm thấy tại đây, khu vực trồng cây xanh,… Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nguyên Lăng được thực hiện trong 02 năm (2017 – 2018) với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Chùa Hồ Thiên (Trù Phong tự) toạ lạc trên núi Phật Sơn thuộc dãy núi Yên Tử, trong vòng cung Đông Triều, theo thuyết phong thuỷ, chùa Hồ Thiên xưa nằm ở vị thế rất đắc địa, linh thiêng. Lưng chùa tựa vào một vách núi cao, hai bên có hai dãy núi chạy xuôi, nhô ra tạo thành thế tay ngai vững chắc, nhìn xuống dưới là những ngọn đồi cao nhấp nhô, xa xa là lòng hồ Bến Châu rộng, phẳng uốn lượn mềm mại như một tấm gương lớn phản chiếu. Chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông vào thế kỉ XIV, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp... để làm nơi truyền giảng đạo. Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình trùng tu lại nguyên trạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hồ Thiên huy hoàng trong lịch sử đến nay chỉ còn là phế tích.
Chùa Hồ Thiên đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 2006. Hiện tại, chùa Hồ Thiên đang nằm trong quy hoạch trùng tu, tôn tạo quần thể di tích lịch sử văn hoá và du lịch sinh thái, danh thắng chùa Quỳnh Lâm, Ngoạ Vân, Hồ Thiên trong không gian văn hoá kết nối với hệ thống di tích Yên Tử và khu di tích hệ thống các lăng mộ nhà Trần.