Pơr’ning là một ngôi làng vùng biên của huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam, nơi định cư lâu đời của đồng bào Cơ Tu. Trong khi nhiều nơi, thanh niên người Cơ Tu ngại mặc trang phục truyền thống thì ở làng này, được khoác lên mình bộ thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu là niềm vui và cả hạnh phúc của trai tráng nơi đây. Anh Clâu Nghề ở làng Pơr’ning xã Lăng rất tự hào khi mặc chiếc áo được làm từ vỏ cây rừng, đây là trang phục cổ xưa của đồng bào Cơ Tu. Chính anh cũng không biết chiếc áo này đã tồn tại qua bao nhiêu đời. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, anh là người thừa kế và sẽ gìn giữ để trao truyền lại cho thế hệ mai sau. Nhờ vậy mà các giá trị văn hóa truyền thống được tiếp biến, kế thừa qua nhiều đời.
“Rất tự hào, cái áo làm từ vỏ cây này có từ xa xưa do cha mẹ tôi truyền lại. Chừ mỗi lúc có lễ hội hay khách du lịch đến tham quan thì chúng tôi mặc vào để thể hiện truyền thống của đồng bào mình” - Anh Clâu Nghề cho biết.
Với đồng bào các dân tộc ít người, muốn bảo tồn văn hóa thì phải dựa vào cộng đồng bởi vì họ chính là chủ nhân của văn hóa và cũng là chủ thể trong công tác bảo tồn. Theo quan điểm của đồng bào Cơ Tu, làng mà chưa có Gươl – ngôi nhà chính giữa làng thì chưa thể gọi là làng. Hiện nay, hầu hết các ngôi làng của hơn 5 vạn đồng bào Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn đều có nhà gươl truyền thống. Đây là công trình kiến trúc độc đáo phản ảnh sinh động bức tranh văn hóa, nghệ thuật và cả tín ngưỡng dân gian của cộng đồng Cơ Tu. Để hình thành nên ngôi nhà làng này, người dân phải đóng góp cả ngàn ngày công để dựng nhà. Gươl vừa là nơi sinh hoạt họp hành bàn việc của làng cũng là bảo tàng văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Bên trong Gươl các nghệ nhân điêu khắc rất nhiều muôn thú, vạn vật để thể hiện tinh thần coi trọng thiên nhiên.
Gìa làng Clâu Nhấp ở xã Lăng, huyện Tây Giang cho biết: Bản sắc văn hóa dân gian văn hóa Cơ Tu đã lưu giữ được. Mỗi thôn phải có một nhà Gươl để sinh hoạt cộng đồng, mà Gươl thì phải có điêu khắc. Người Cơ tu chúng tôi rất coi trọng Gươl.
Ông Bhling Mia - Bí thư huyện ủy Tây Giang cho biết, công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu được huyện Tây Giang rất chú trọng. Đã tổ chức sưu tầm, hoàn thiện bộ chữ viết Cơ tu và tổ chức dạy tiếng Cơ tu cho cán bộ, giáo viên; phục dựng và tổ chức thường niên Lễ khai năm tạ ơn rừng; tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, khảo sát, tôn tạo, đề nghị công nhận các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Cử các đoàn nghệ nhân, diễn viên đi biểu diễn văn hóa truyền thống tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá và mời gọi du khách đến với Tây Giang ngày càng nhiều hơn.
“Chúng tôi rất quan tâm đến công tác giữ gìn văn hóa các giá trị truyền thống của đồng bào. Qua đó đã giới thiệu được với bạn bè, công chúng khắp nơi. Khai thác được dư địa văn hóa dể kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tâm huyết có trách nhiệm đồng hành với bà con để khai thác tiềm năng du lịch, phục vụ đời sống xã hội” - Ông Bhling Mia cho biết.
Hiện nay, các địa phương miền núi Quảng Nam đều xác định mục tiêu bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đây là 2 lĩnh vực có tính tương trợ lẫn nhau khi văn hóa đặc trưng là sản phẩm của du lịch và chính du lịch sẽ đem lại nguồn lực rất lớn để bảo tồn, phục dựng văn hóa. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành các Nghị quyết về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài các điểm du lịch cộng đồng nhỏ lẻ, các khu du lịch quy mô lớn đã được đầu tư đã phát huy hiệu quả. Chính bản sắc văn hóa của đồng bào tại chỗ là sản phẩm du lịch độc đáo có sức cuốn hút du khách rất lớn. Đây cũng sẽ là hướng đi mới để đồng bào vùng núi cao phát triển kinh tế, tăng thu nhập thông qua hoạt động du lịch bền vững./.