
Mưa ở Đồng Hới đạt mức kỷ lục lên đến 770mm
Lượng mưa đo được tại Đồng Hới lên đến 770mm, Đồng Tâm: 621mm, hiện mưa vẫn rất to và diễn ra diện rộng. Dự báo trong 24 giờ tới lượng mưa phổ biến ở mức 50mm-150mm, có nơi hơn 150mm. Bản tin dự báo lũ trên các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lũ tiếp tục lên nhanh; lũ trên thượng lưu sông Thạch Hãn đang xuống chậm.
Các tuyến đường huyết mạch của Đồng Hới như Lý Thường Kiệt, Hữu Nghị, Trần Hưng Đạo, 36m, mọi con phố của các phường dọc bờ biển và sông Nhật Lệ như Đồng Phú, Đồng Mỹ, Hải Đình… đều chìm sâu trong mưa lũ. Ông Nguyễn Lệ Bốn ở Đồng Phú cho biết: “Chưa bao gờ Đồng Hới bị ngập lụt kiểu này, đây là lần đầu tiên cả thành phố bị mưa lũ bủa vây”.
Trong khi đó, các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc Lộ 12 A, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 10, đường 20, Quốc lộ 15…nước lũ đã dâng cao gây chia cắt nhiều đoạn, giao thông tê liệt. Quốc lộ 1A ngập nặng đoạn qua Lộc Đại (Đồng Hới). Tại Km 912+500 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn qua xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình nước lũ đã ngập và chia cắt hơn 10km, hiện toàn bộ các phương tiện đều không thể lưu thông được.
Ông Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón (Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) nói: “3 bản đồng bào Rục gồm Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ đã bị lũ vây hảm với thế giới bên ngoài”.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa (Minh Hóa), Cao Thanh Bình cho biết: “Xã Tân Hóa với hơn 3000 hộ đã bị lũ vào nhà ngập sâu hơn 2m”.
Sáng nay 15-10, lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 9,4m, trên BĐ3 2,9m, tương đương lũ lịch sử năm 2007; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 3,6m, trên BĐ3 0,9m, tương đương lũ lịch sử năm 1979.
Đến trưa nay 15-10, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ lên mức 16,5m, trên BĐ3 3,0m, tương đương lũ lịch sử năm 2010; tại Hòa Duyệt: 11,0m, trên BĐ3 0,5m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 13,0m, ở mức BĐ3; Sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 9,2m, trên BĐ3 2,7m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 3,4m, trên BĐ3 0,7m; Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 3,4m, dưới BĐ2 0,6m.
Tuyến đường sắt đi qua tỉnh Quảng Bình đã bị lũ cô lập gần 20 đoạn, 11 điểm bị sạt lở nặng. Đặc biệt nghiêm trọng là sạt lở đất đá tại khu gian Ngọc Lâm-Lệ Sơn. Ngành đường sắt đã đã cho dừng 10 đoàn tàu khách, 12 đoàn tàu hàng dọc các ga ở Quảng Bình để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách và tài sản vận chuyển.

Từ miền núi, các xã Thượng Trạch, Tân Trạch, Sơn Trạch... (Bố Trạch) đều bị lũ chia cắt, xã Sơn Trạch bị lũ ngập chìm sâu hơn 3m. 6 xã, thị trấn của huyện Lệ Thủy hoàn toàn bị chia cắt do mưa lũ, nhiều nơi ngập sâu trong 3m. Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, 14 xã, thị trấn của huyện hoàn toàn bị lũ cô lập. Các địa phương dọc sông Gianh như Minh Hóa, Tuyên Hóa, Ba Đồn, Quảng Trạch có khoảng 100.000 họ dân bị lũ cô lập. Hiện lãnh đạo tỉnh và các địa phương đang lên phương án cứu trợ, cứu nạn để đưa mì tôm, nước sạch đến giúp người dân không bị đói, rét.
(Theo SGGPO)