Quần thể di tích đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi - Ảnh: kinhtedothi.vn
Tương truyền, sau khi đánh đuổi quân xâm lược tới chân núi Vệ Linh cũng là lúc đuổi sạch bóng quân thù khỏi bờ cõi nước Nam, Thánh Gióng để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi trước khi bay về trời.
Khởi nguồn từ ngôi miếu thờ nhỏ mang tên Đổng Thiên Vương và chùa Non Nước đã được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng để làm nơi tu hành của Quốc sư Khuông Việt, một lần Lê Hoàn (Lê Đại Hành) cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống giặc Tống xâm lược, vua tôi nhà Tiền Lê vào làm lễ cầu thánh Gióng phù hộ. Trong trận chiến, quân Tống thua to, khi quay về vua Lê Đại Hành vào lễ tạ rồi sai người tìm gốc trầm hương làm tượng thần và xây dựng thành khu đền uy nghi. Đồng thời phong thêm hai chữ "Phù" và "Thiên", tên của ngài được thờ tại đền Sóc là "Phù Đổng Thiên Vương".
Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Non Nước, chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Chồng, tượng đài Thánh Gióng và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
Trong đó, đền Thượng là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa…
Nằm cách trung tâm thủ đô không xa, nên từ nhiều năm nay đền Sóc Sơn luôn là địa điểm thu hút khách thập phương. Nếu đầu xuân năm mới là những ngày nô nức, rộn ràng không khí lễ hội của một trong những lễ hội lớn và đặc sắc, thì vào các tuần rằm sau đó, đền Sóc liên tục đón khách dâng hương, trong những ngày bình thường khách tham quan cũng không hề vắng.