Quản lý và bảo vệ di tích: Loay hoay đến bao giờ?

22/10/2016 16:10

Theo dõi trên

Một khi Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh chưa được cấp thẩm quyền ban hành, thì vốn tài nguyên văn hóa, lịch sử và danh thắng quý báu ở đây còn phải tiếp tục đối mặt trước vấn nạn bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.

Nhìn từ những di tích “vô chủ”

Không tính di tích cấp quốc gia đặc biệt (là Hệ thống bến phà trên sông Sêrêpốk, thuộc cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại-do Bộ Quốc Phòng quản lý chung) thì Đắk Lắk hiện có 23 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó 4 di tích (Danh thắng hồ Lắk, Hang đá Đắk Tuôr, Thác Dray Sáp Thượng và Thác Drai Kpơr) đến nay vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra quản lý và bảo vệ.



Quần thể danh thắng Hồ Lắk đang bị xâm hại đáng kể.

Theo khảo sát, đánh giá của Ban quản lý di tích tỉnh, toàn cục danh thắng hồ Lắk hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng. Trong thời gian qua, tại khu vực 1 (khu vực cấm), có một nhà hàng kinh doanh ăn uống xây dựng trái phép. Những hoạt động của nhà hàng này đã khiến môi trường và cảnh quan chung quanh trở nên ô nhiễm, nhếch nhác. Theo đó, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk đã xây dựng khu resort trên diện tích 12 ha, gồm 16 ngôi nhà với 32 phòng ngủ nằm dọc theo phía Tây Nam hồ Lắk, cách mép nước khoảng 15 m đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiện trạng ban đầu của di tích. Đặc biệt là Biệt điện Bảo Đại được xây dựng trước đây trên ngọn đồi cao nhìn ra toàn cảnh khu vực hồ Lắk thơ mộng nay được đơn vị làm du lịch này “tân trang” lại nội thất nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, khiến nét kiến trúc nguyên bản, giàu tính thẩm mỹ của ngôi nhà bị biến dạng đáng kể.

“Về lâu dài cần có quy chế thống nhất và phù hợp, thể hiện tính pháp lý rõ ràng mới mong giải quyết được vấn đề, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là phát huy cho được giá trị của di tích, chứ không phải loay hoay tìm cách bảo vệ nó như một “gánh nặng” như hiện nay.” Ông Đỗ Đức Tâm - Trưởng Phòng VH - TT huyện Krông Pắc chia sẻ.

Tương tự, Hang đá Đắk Tuôr (xã Cư Pui - huyện Krông Bông) được khoanh vùng bảo vệ từ năm 2011, đến nay tường rào bao quanh khu A - nơi trú ẩn, hoạt động của Tỉnh ủy Đắk Lắk trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bị hư hỏng nặng do trâu bò thả rông của người dân trong vùng  húc đổ. Tại khu B - bao gồm các hạng mục hầm, hào, hội trường… cũng bị san lấp để mở đường tuần tra cho Vườn quốc gia Cư Yang Sin.

Danh thắng thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long) nằm trên địa bàn xã Ea Na (huyện Krông Ana) mặc dù đã được khoanh vùng bảo vệ, nhưng cảnh quan, đất rừng trong khu vực di tích cũng bị doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân khai thác, sử dụng bừa bãi, khiến cảnh quan toàn cục của danh thắng suy giảm và thu hẹp. Thác Drai Kpơr (xã Cư Bông-huyện Ea Kar) cũng đang bị đe dọa từng ngày do người dân vào lấn chiếm đất, chặt phá rừng làm rẫy, gây ra những xáo động tiêu cực đối với cảnh quan, môi trường...

Giải pháp tạm thời

Theo ông Trần Hùng-Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh, trong khi chờ cấp thẩm quyền ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh thì giải pháp tạm thời là giao cho UBND các huyện-nơi có di tích đứng chân chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại hiệu quả cao, do chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết như nhân lực, kinh phí, cơ chế hoạt động phục vụ cho mục đích đặt ra. Vì thế, trên giấy tờ - mặc dầu đã thể hiện rõ sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai bên (có quyết định giao nhận quản lý, bảo vệ giữa chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành là Sở VH-TT-DL), nhưng trên thực tế chưa phát huy hiệu lực trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích được giao.


 
 
Tháp Chàm Yang Prông được giao cho cựu chiến binh thôn 5 - xã Ea Rốk trông coi.
 
Đến nay, hầu hết các huyện Ea Súp, Cư M’gar, M’Đrắk, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, Krông Ana… được giao quản lý, bảo vệ các di tích đứng chân trên địa bàn vẫn không triển khai được nhiệm vụ của mình do những khó khăn nêu trên. Qua tìm hiểu, được biết các địa phương đều chọn giải pháp “ấn xuống” cho chính quyền xã nơi có di tích đảm trách. Mà khả năng của chính quyền xã trong nhiệm vụ này - nói như ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) - là có hạn, hay nói đúng hơn là “lực bất tòng tâm”. Vì thế việc giữ gìn, bảo vệ tháp Chàm Yang Prông, trong thời gian qua, chính quyền địa phương phải nhờ đến các cựu chiến binh ở thôn 5-xã Ea Rốk trông coi. Hay như di tích Đồn điền CADA (huyện Krông Pắc) giao về cho xã Ea Yông  quản lý, bảo vệ, nhưng hiện chính quyền xã đang rất lúng túng trước nhiệm vụ này...    

(Theo Báo Đắk Lắk)

Đình Đối
Bạn đang đọc bài viết "Quản lý và bảo vệ di tích: Loay hoay đến bao giờ?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.