Bất cập từ thực tiễn đến quy định
Vụ việc tương tự như ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội không phải lần đầu xảy ra. Việc ứng xử với di tích theo lối tư duy “lệ làng” đang khá phổ biến ở các địa phương. Bởi từ xưa, ngôi đình như một nhà văn hóa, là nơi để người dân sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, hội họp, thờ cúng trời đất… Người dân coi ngôi đình như tài sản chung của cộng đồng làng xã, ứng xử với đình làng bằng hương ước, lệ làng, không màng đến việc trùng tu, sửa chữa phải theo Luật Di sản. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều di tích bị xâm hại, phá hoại.

Ông Phạm Tự Khải, trưởng thôn Lương Xá, giải thích việc tự ý xây lại đình Lương Xá bằng bê tông cốt thép: “Đình là nơi người dân cúng tế thần linh, là của làng, của người dân, vì thế, khi người dân đồng thuận thì chúng tôi làm thôi”. Câu trả lời của ông Khải khiến nhiều nhà nghiên cứu, những người yêu di sản bày tỏ thái độ chán nản, bởi đây không phải lần đầu họ nghe được cách ứng xử với di tích tùy tiện như vậy.
Giáo sư Trần Lâm Biền khẳng định: “Việc người dân hiểu đình là của làng là hoàn toàn sai. Người ta chỉ nói đình làng chứ không ai nói đình của làng. Di tích hình thành bởi công sức của cả cộng đồng, tiếp tục phát triển và được hun đúc thêm những giá trị qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm lịch sử, bởi nhiều thế hệ. Thực tế, di tích của cha ông để lại không phải chỉ do người dân địa phương đó làm nên. Người dân và chính quyền địa phương chỉ có quyền sử dụng và trách nhiệm trông coi, bảo vệ di tích”.
Cuối mùa mưa năm 2017, thủ từ và ban quản lý đình Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ phát hiện máng xối mái đình bị dột và làm công văn thông báo với chính quyền xã. Xã đã tiến hành kiểm tra và làm đơn lên huyện, nhưng mãi đến tháng 8/2018, sau khi có thông tin báo chí phản ánh việc mái đình bị xuống cấp do mưa dột thì huyện mới xuống kiểm tra. Tiếp đó, huyện làm công văn lên Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ. Sở lại tiếp tục làm công văn lên Bộ VH-TT&DL để xin sửa chữa mái đình. Trong thời gian chờ đợi đó, chỉ sau 1 mùa mưa, lỗ dột trên máng xối mái đình Do Nghĩa đã rộng thêm, gây ẩm ướt các cấu kiện gỗ bên dưới. Hậu quả là, từ một lỗ dột nhỏ, nhiều cấu kiện gỗ mái đình bị mục nát nghiêm trọng, cần phải trùng tu.
Bên cạnh quy trình quản lý di tích qua nhiều cấp, việc trùng tu di tích theo đúng quy trình cũng cần khoảng thời gian dài để thẩm định, có tư vấn của các cơ quan chuyên môn như Viện Bảo tồn di tích, Cục Di sản... Khi có giấy phép trùng tu rồi thì phải tìm được những đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có đủ điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề trùng tu di tích, mà trên thực tế đều đang rất thiếu và yếu.
Việc người dân và cả các đơn vị quản lý trực tiếp di tích có ứng xử không đúng với di tích, hiểu sai giá trị của di tích, trước hết phải nhìn nhận lỗi thuộc về ngành văn hóa. Bởi ngành văn hóa ứng xử với di sản văn hóa và giáo dục tuyên truyền với người dân, với cơ quan quản lý di tích địa phương trên cơ sở luật, chứ không tuyên truyền, giáo dục họ trên nền tảng nhận thức giá trị của di tích văn hóa.
“Để xảy ra thực tế kể trên quả là đau xót trong khi hệ thống luật pháp của chúng ta đã có rất nhiều điều khoản để bảo vệ di tích. Chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, vậy tại sao ngay giữa Thủ đô vẫn có vi phạm nghiêm trọng đến thế? Tôi cho rằng, việc này phải làm nghiêm túc để không thành tiền lệ. Từ sự việc này cần có kiến nghị điều chỉnh luật hoặc bổ sung một số chế tài đủ sức răn đe trong việc tu bổ tôn tạo di tích”, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nói.