Quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam

06/07/2015 08:36

Theo dõi trên

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.

 
 Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: Internet

Theo thống kê, năm 2014, số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan các Di sản Thế giới về cơ bản đều tăng lên, trong đó, một số Di sản Thế giới có số lượng du khách nhiều phải kể đến: Quần thể Di tích Cố đô Huế đón 1.932.813 lượt khách, thu 139.816.053.000 đồng (đạt 112% kế hoạch đặt ra của năm 2014); Vịnh Hạ Long đón 2.406.215 lượt khách, doanh thu từ vé 471.001.175.000 đồng (đạt 109,5% kế hoạch đạt ra của năm 2014); Quần thể danh thắng Tràng An đón 3.514.000 lượt khách, doanh thu từ vé và dịch vụ khoảng 420.000.000.000 đồng; Phong Nha-Kẻ Bàng đón 837.653 lượt khách (tăng 61% so với năm 2013), doanh thu đạt hơn 85.000.000.000 đồng (tăng 62% so với năm 2013); Khu Phố cổ Hội An đón 1.500.000 lượt khách, thu 80.000.000.000 đồng.

Có được những kết quả trên là nhờ: Các tỉnh/thành có Di sản Thế giới đã tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Kế hoạch quản lý, Quy chế quản lý, bảo vệ Di sản Thế giới.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của những người làm việc trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy Di sản Thế giới ngày càng được nâng cao thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo ở trong nước và ngoài nước và thông qua hoạt động thực tiễn tại các khu di sản.

Quan hệ hợp tác song phương, đa phương về bảo tồn, phát huy Di sản Thế giới được đẩy mạnh, các khu di sản đã có nhiều hợp tác hiệu quả với các tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế như: Hầu hết các Di sản Thế giới đã có Quy chế quản lý, bảo vệ, tuy nhiên khi triển khai xuất hiện một số quy định chưa phù hợp, nhưng việc điều chỉnh những quy định chưa phù hợp hoặc bổ sung quy định mới còn chậm.

Việc triển khai công tác tu bổ, tôn tạo di tích theo lộ trình đặt ra trong Quy hoạch tổng thể còn chậm do khó khăn về kinh phí; Việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới ở một số địa phương còn bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ quản lý Di sản Thế giới.

Sự phối hợp giữa các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới với các ngành hữu quan khác ở địa phương trong quá trình xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn chưa thật sự chặt chẽ; Năng lực của đội ngũ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản thế giới còn hạn chế (những chuyên gia ở tầm quốc tế trong lĩnh vực này còn ít); Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương có hiệu quả chưa cao, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn nghèo nàn.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ở các khu di sản vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; Quy định quản lý và sử dụng nguồn thu, cơ cấu chi tại mỗi địa phương sở hữu Di sản Thế giới còn đặc biệt khác nhau.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã định hướng trong thời gian tới:

Trong những năm tới, để công tác quản lý, bảo vệ các Di sản Thế giới ở Việt Nam được tốt hơn nhằm giữ gìn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, và để Việt Nam xứng đáng với vai trò là một quốc gia thành viên tích cực của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, cần thiết phải triển khai và làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định ở cấp Trung ương và địa phương liên quan tới lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong năm 2015, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam.

Các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới có nhiệm vụ:

Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ đã được xác định tại Thông báo số 1744/TB-BVHTTDL. Trên cơ sở các Quy hoạch tổng thể, Kế hoạch quản lý, xây dựng các dự án thành phần và kế hoạch thực hiện hằng năm trong tổng thể kế hoạch giai đoạn 2016-2020, trình cơ quan thẩm quyền xem xét, phê duyệt vào định kỳ tháng 6 của năm đó, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kiện toàn mô hình bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới. Lưu ý việc quản lý di sản Thành Nhà Hồ, Khu Phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long còn có nhiều trùng chéo nên cần được kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng tăng cường vai trò của các cơ quan này, đặc biệt là thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm trong khu vực bảo vệ của các Di sản Thế giới, làm ảnh hưởng tới giá trị di sản.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách, đào tạo các chuyên gia thực thụ ở tầm quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn và phát huy Di sản Thế giới.

Hoàn thiện theo kế hoạch đặt ra đối với việc lập “Kế hoạch quản lý tổng hợp” cho các di sản: Khu phố cổ Hội An, Khu Di tích Mỹ Sơn.

Điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi và ban hành Quy chế bảo vệ Quần thể Di tích Cố đô Huế, Khu Di tích Mỹ Sơn, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Thành Nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An.

Khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết, khuyến nghị của UNESCO về công tác quản lý, bảo vệ các Di sản Thế giới (Thành Nhà Hồ, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Quần thể danh thắng Tràng An, Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Di sản Thế giới; phối hợp với ngành du lịch, các công ty lữ hành xây dựng các sản phẩm mới nhằm thu hút khách tham quan tới các khu di sản, góp phần nâng cao đời sống, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương để hạn chế các hành vi vi phạm và tệ nạn (chèo kéo, tăng giá, mất vệ sinh môi trường, ứng xử thiếu văn minh khi tham quan di sản, săn bắt động vật, khai thác lâm sản trái phép…).

Tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm quản lý và đào tạo đội ngũ cán bộ; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia ngày càng sâu rộng các hoạt động quốc tế về di sản; báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tham gia các kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản Thế giới để thống nhất nội dung, chương trình hoạt động phù hợp.

Chủ động tham mưu, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản Thế giới vào tháng 11 hằng năm.

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.