Phục hồi điện Kiến Trung Huế: “Nghe ý kiến của các bên”

01/08/2018 21:25

Theo dõi trên

Theo các chuyên gia, việc phục hồi điện Kiến Trung tại Thừa Thiên Huế là điều tất yếu. Tuy nhiên phải làm sao để đảm bảo tính khuôn mẫu vốn có của công trình này là điều quan tâm nhất.



Phối cảnh điện Kiến Trung sau khi hoàn thành - Ảnh: TTBTDTCDH

Trao đổi với phóng viên Phương Nam Plus, ông Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa tại Huế cho biết, đây không phải là lần đầu việc trùng tu sửa chữa điện Kiến Trung được đưa ra.

Trước đó, tại Quyết định số 105 do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký năm 1996, sau này là các Quyết định vào năm 2009 của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các Quyết định phê duyệt trùng tu Đại Nội trong đó có cả điện Kiến Trung.

Trong tổng thể của Đại Nội thì điện Kiến Trung là một trong 4 công trình quan trọng nhất nằm theo trục dọc bao gồm: Điện Cần Chánh, cung Càng Thành, cung Khôn Thái và điện Kiến Trung.

Trong 4 công trình này thì điện Kiến Trung là công trình có quy mô lớn nhất và đặc biệt nhất trong Đại Nội.

Cung điện này được xây dựng lần đầu tiên dưới thời vua Minh Mạng, sau đó được sửa chữa lại dưới thời vua Duy Tân. Đến thời vua Khải Định toàn bộ công trình này được xây dựng mới lại vào năm 1921 - 1923. Đến năm 1946 thì công trình bị phá hủy.

Ông Hoa cho biết, công trình này rất đặc biệt khi có sự giao thoa giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc phương Tây.

Việc trùng tu công trình này là điều hợp lý dù có phần hơi muộn. Tuy vậy, ông Hoa lưu ý phải chú ý nhiều điểm, đặc biệt là tính hiện đại của công trình này.

Ông Hoa chỉ ra rằng, tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 nhưng cung điện này đã có hệ thống điện, hệ thống toilet, nội thất theo phong cách kiến trúc cung điện Châu Âu, tiền sảnh có bàn bida, hệ thống phun nước hiện đại đặt trước sân điện. “Cả công trình không chỉ có cái nhà không mà còn có nhiều tiểu kiến trúc công trình khác, và phải lưu ý đến các công trình đó”, ông Hoa nhấn mạnh.

Chính vì vậy theo ông Hoa việc trùng tu lại công trình trên phải lưu ý những điểm trên, nếu không công trình này chỉ là hình thức.

Ông Hoa cho rằng, điều may mắn khi các cơ quan chuyên môn thực hiện việc trùng tu công trình này đó là có nhiều hình ảnh tư liệu. Tuy vậy, để có thể phục hồi gần như nguyên bản thì tỉnh Thừa Thiên Huế cần tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu.

Hiện tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ mới phê duyệt dự án, nhưng ông Hoa cho rằng vấn đề chính đó là phải nghe cho được đề án thiết kế để đánh giá đầy đủ.

“Chắc chắn là TTBTDTCDH và các đơn vị đã có hồ sơ thiết kế, nhưng vấn đề là hồ sơ thiết kế của họ đã đầy đủ chưa, phù hợp với hình ảnh lịch sử còn để lại không. Cần phải đặt ra từ bây giờ nếu không khi triển khai thì sẽ có hậu quả sai lệch với lịch sử rất đáng buồn”, ông Hoa cho biết.

Ông Hoa nói rằng, việc ông đón nhận Quyết định này trong tâm trạng vừa mừng, vừa lo vì quá đơn giản. Bởi lẽ, lãnh đạo Thừa Thiên Huế vốn đơn giản khi ra các quyết định lớn như Quyết định về 27 công trình Pháp, bãi xe lăng Tự Đức. Lãnh đạo tỉnh nên rút bài học đã vấp phải khi dư luận lên tiếng rất nhiều.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân viện VH - NT Việt Nam tại Huế cho rằng, để phục hồi cung điện này cần phải có đủ cứ liệu để chứng minh công trình pha trộn kiến trúc thuộc địa, kiến trúc phục hưng của Ý, kiến trúc Việt Nam, phải có luận cứ luận chứng để chứng minh. Đồng thời lập ra một hội đồng phản biện để lắng nghe ý kiến của các bên.

Đình Duy

Bạn đang đọc bài viết "Phục hồi điện Kiến Trung Huế: “Nghe ý kiến của các bên”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.