Phục dựng một công trình đặc sắc ở chùa Côn Sơn

15/02/2017 10:20

Theo dõi trên

Chùa Côn Sơn (Hải Dương) nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa (LSVH) đặc biệt quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hải Dương đã tiến hành lập Quy hoạch chi tiết và trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục chính trong quần thể, trong đó có xây dựng lại Tòa Cửu phẩm Liên hoa, để Côn Sơn dần trở lại với diện mạo xưa.

Dịp Lễ hội mùa xuân năm 2017, công trình có ý nghĩa văn hóa sâu sắc này đã hoàn thành, tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng của chốn tùng lâm Côn Sơn, vốn nổi tiếng trong nước và nước ngoài.



Công trình Tòa Cửu phẩm liên hoa                             

Chùa Côn Sơn được khởi dựng vào thế kỷ X, đến thế kỷ XIII (thời Trần), Côn Sơn trở thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, trong đó có lập ra Cửu phẩm liên hoa. Sang thời Lê (thế kỷ XVII), Thánh tổ Mai Trí Bản hiệu là Huệ Pháp, tự Pháp Nhẫn đã tiếp tục tu bổ chùa và tôn tạo Cửu phẩm liên hoa, làm mới các chư Phật trên Cửu phẩm tới 385 vị. Năm 1721, Thánh Tổ Hải Ấn tu bổ tòa Cửu phẩm liên hoa và Đăng Minh Bảo Tháp. Thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, tòa Cửu phẩm liên hoa và các công trình khác của chùa Côn Sơn bị tàn phá trong giai đoạn này.

Căn cứ vào kết quả các cuộc khảo cổ học và nghiên cứu các tài liệu, bi ký về chùa, được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn. Bao gồm các hạng mục: Tòa Cửu phẩm liên hoa, Tổ đường, Hậu đường, sân nội tự...

Kiến trúc tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm có kết cấu 3 tầng, 12 mái. Công trình sử dụng vật liệu truyền thống, như: gỗ lim, gỗ vàng tâm, đá xanh Thanh Hóa, hàng nghìn viên gạch Bát Tràng, ngói mũi hài phục chế. Nhà Phẩm giống như một bông sen với 3 lớp cánh hoa mãn khai.

Tháp Cửu phẩm liên hoa hình bát giác, cao 10,3m với 9 tầng, mỗi tầng chạm 3 lớp cánh sen. Ở tầng 1 có 8 đầu rồng đúc bằng đồng ở 8 cạnh làm tay vịn quay cây Phẩm. Từ tầng 2 lên đến tầng 9, các cạnh là cột chạm đốt trúc đỡ các đài sen. Trên tầng thứ 9 có trang trí 8 đầu rồng uốn cong dạng long đình quay ra bốn phía. Trên cùng cây Phẩm là Đức Phật A Di Đà tọa thiền trên đài sen, phía trên Đức Phật là bông sen lớn sơn son thếp vàng gắn trên đỉnh nhà Phẩm rủ xuống như lọng vàng.

Theo giáo lý Phật giáo: đến với tòa Cửu phẩm liên hoa là thấy biểu trưng của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở đây vạn Phật vân tập, thế giới thanh bình, không còn tham, sân, si.

Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương cho biết: Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn là công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đặc sắc lần đầu tiên được tôn tạo thành công. Công trình này góp phần hoàn chỉnh hệ thống thờ tự đã bị tàn phá; phục hồi các nghi thức, lễ nghi tôn giáo cổ truyền do các Thánh Tổ ở các thời kỳ dày công khai sáng, gây dựng... góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.


Hồng Lụa

Nguồn: baodulich.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "Phục dựng một công trình đặc sắc ở chùa Côn Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.