Khu mộ cổ có đặc điểm kết cấu, tạo dáng, trang trí theo mô phỏng hình sập chân quỳ ở các bệ thờ, bình phong, trụ biểu búp sen và mô hình mái lợp giả ngói âm dương; quan tài với 1/3 thân cây gỗ cùng nhiều đề tài hoa cúc, hoa lá dây, hồi văn, sơn son thiếp vàng, chạm trổ; táng bằng kỹ thuật đổ nhựa thông, sử dụng hạt thực vật chống khuẩn, chiếu cói, than tro (ảnh)… Trong quan cho thấy sự kế thừa truyền thống của người Việt từ Đàng ngoài đến Đàng trong thế kỷ 17 - 18 và thống nhất dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19) tại vùng đất Nam bộ. Những đặc điểm văn hóa này đã góp phần tạo ra một giá trị văn hóa phương Nam của người Việt. Các ngôi mộ có thể có niên đại cách đây 150 - 220 năm….
Kết quả bước đầu theo các nhà khoa học, khu mộ cổ chất liệu đá ong được khai quật tại phường An Phú, là một trong những quần thể mộ tương đối lớn ở khu vực phía Nam, với mật độ dày đặc cho thấy nơi đây là một nghĩa địa cổ gắn với quá trình cư dân Việt khai phá và làm chủ vùng đất Sài Gòn - TPHCM.
Trước đó, để giải phóng mặt bằng dự án xây dựng khu nhà ở - thương mại - dịch vụ trong Khu đô thị phát triển 87ha tại phường An Phú, theo quyết định của UBND TPHCM, Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp cùng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã tiến hành khai quật 8 ngôi mộ cổ trên.
Sở VH-TT TPHCM cho biết, để phục vụ cho công tác nghiên cứu, kiến trúc ngôi mộ song táng (trong 8 ngôi mộ cổ ở phường An Phú) đang được tiến hành phục dựng tại Khu mộ cổ Gò Cây Quéo, phường Bình Trưng Đông, quận 2.
Theo MINH AN (SGGP Online)