Phong tục sang cát ở Vĩnh Phúc

23/11/2018 10:55

Theo dõi trên

Vào dịp cuối năm, dân ta thường tổ chức cải táng mộ phần (sang cát, bốc mộ, đổi mả), sửa sang lại mộ cũ, quy tập mồ mả đặt rải rác các nơi về một nghĩa trang gia đình dòng họ hoặc một nơi mới để tỏ lòng thành kính với người đã khuất.

 
Nhiều gia đình sang cát không làm ban đêm mà làm vào buổi chiều, dùng bạt để che tránh ánh nắng trực tiếp.

Đây là phong tục của một số vùng trong địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác trên cả nước. Theo phong tục từ xưa để lại, người mất sau 3 năm thì cải táng, có nhưng nơi vùng khô cằn hay chôn cất trên đồi cao thì thời gian kéo dài có thể đế 7-8 năm. Cải táng xong thì đồng nghĩa với việc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tặng.
 
 
Người dân trong làng và anh em họ hàng tập trung quanh khu vực sang cát để làm giúp.
 
Thường thường việc tiến hành cải táng là sau 3 năm địa táng. Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của người đã mất, tránh những năm xung sát.  Nhiều nơi lại cho rằng còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì họ nghĩ khi vong (người mất) đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam.
 
Thời gian tốt nhất trong năm để tiến hành cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Phải xem tuổi của vong và tuổi trưởng nam để tìm ngày tốt. Sau khi chọn được ngày bốc mộ, cũng phải chọn xem giờ bốc mộ, nhưng phải làm vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi không có ánh sáng mặt trời, tránh cho xương cốt gặp ánh sáng mặt trời sẽ bị đen, bị hỏng. Ngày nay thời gian cải táng được làm sớm hơn, từ 13h trở đi là làm được nhưng phải được che đậy bằng tấm bạt lớn tránh ánh nắng trực tiếp việc làm sớm này để tránh vất vả cho con cháu.
 
 
Anh em họ hàng giúp bỏ phần đất đắp trên nắp quan tài.
 
Con người khi sống có thể có rất nhiều tài sản nhà cửa, đất đai, tiền bạc… nhưng khi mất đi chỉ có mấy mét vuông đất để nằm xuống. Các cụ xưa đã nói nhà cửa, đất đai, tiền bạc có thể sang nhượng, đổi chác nhưng phần Mồ, Mả, Lăng mộ của ông bà thì vĩnh viễn không thay đổi được, không được đem ra mua bán hay đổi chác  và người đang sống cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi mồ mả ông bà tổ tiên và người đã khuất. Nơi an nghỉ cuối cùng là nơi tối quan trọng cho người đã khuất và người đang sống, chính vì như thế nên đã cải táng thì hết sức phải cân nhắc chuẩn bị kỹ lưỡng.
 
Các công việc để tiến hành sang cát (đổi mả) được tiến hành như sau: Chọn ngày giờ thực hiện công việc. Theo lịch Âm, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Tuổi và ngày nên chọn theo Tam hợp, Lục hợp, Chi đức hợp, Tứ kiểm hợp. Tránh các ngày Lục xung, Lục hình, Lục hại. Về Ngũ hành nên chọn ngày tương sinh hay bình hòa, tránh chọn ngày tương khắc.
 
 
Thường thì việc xếp hài cốt do người thân hoặc anh em họ hàng làm giúp (ảnh cảnh sang cát của một gia đình ở thôn Yên Thượng, An Hòa, Tam Dương, Vĩnh phúc)
 
Chọn vị trí địa lý để đặt mộ mới. Khi đã chọn được thời gian để  tiến hành thì người trong gia đình sẽ phải chọn lựa một huyệt đất mới để chuyển hài cốt sang. Vị trí chuyển mộ phải nằm trong khu mộ của địa phương hoặc nghĩa trang địa phương. Hiện nay thì mỗi làng đều có khu để chôn cất riêng cho người đã khuất, ở phần đất dành cho người đã khuất chia làm hai khu riêng biệt khu dành cho người mới chôn cất và khu dành sau khi cải táng chôn cất vĩnh viễn.
 
Sau khi chọn được ngày bốc mộ , cần phải xem giờ bốc mộ cho thân chủ. Tùy theo giờ tốt mà bốc, Trước đây việc bốc mộ phải làm vào ban đêm. Việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen, nay tiên tiến hơn gia đình có thể tiên hành bốc mộ sau 13h nhưng phải che đậy để chống ánh nắng trực tiếp. Khi bốc mộ, người ta thường đào trước phần lớp đất ở phía trên trước (việc này do con cháu hoặc anh em trong làng làm giúp), sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài ). Mở nắp ván thiên được khoảng 5-10 phút, người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tảy rửa âm Khí. Sau đó mới tiến hành lấy cốt. Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành, một cái quách đặt làm sẵn, một miếng vải đỏ, một tấm ni lông, một ít rượu nặng, nước quế, nước hoa hồi một vài cái xô, chậu nhựa để rửa xương.
 
 
Sau khi làm xong các phần việc đại diện gia đình sẽ mời những người làm giúp về nhà ăn cơm
 
Công việc bốc mộ thường là do con trai hoặc người thân trong gia đình, những  nơi thuê người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm. Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu. Xương được xếp vào tiểu sành người nhà mang đến vị trị mới để chôn cất thiên thu.
 
Sang cát (cải táng, bốc mộ) là một phong tục lâu đời, là thể hiện cái tâm của người sống với người thân đã khuất, an tâm với niềm tin tâm linh… tặng cho người đã khuất một ngôi nhà mới đẹp đẽ, chắc chắn hơn, linh hồn có thể phù hộ cho gia đình được an lành.
 
Phúc Vĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Phong tục sang cát ở Vĩnh Phúc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.