Phóng sự đặc biệt: Bí mật lăng mộ của vua Quang Trung

09/08/2018 16:21

Theo dõi trên

Vua Quang Trung là người sáng lập ra triều đại Tây Sơn (1778 - 1802), tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng triều đại này đã để lại nhiều dấu mốc hiển hách trong lịch sử dân tộc bằng chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu và sụp đổ. Trải qua hàng trăm năm kể từ ngày người anh hùng áo vải qua đời, giới nghiên cứu vẫn đang ngày đêm đi tìm lăng mộ của vị vua này.
 


Ông Nguyễn Đắc Xuân (bìa phải) đang trao đổi với phóng viên

Cuộc thám sát khảo cổ học sau 200 năm

Kể từ sau khi vua Quang Trung băng hà (năm 1792), nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Đến năm 1802 thì rơi vào tay Nguyễn Ánh (người trở thành vua Gia Long sau này đồng thời lập ra triều Nguyễn). Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã thực hiện chính sách trả thù nhà Tây Sơn. Tịch thu và tiêu hủy toàn bộ những tài liệu, sách vở, thơ văn của triều đại này. Đỉnh cao của việc trả thù chính là việc vị vua sáng lập triều Nguyễn cho người quật lăng mộ của vua Quang Trung.

200 năm kể từ khi vua Quang Trung qua đời và triều đại Tây Sơn sụp đổ, giới nghiên cứu, các học giả vẫn đang “bí” trong việc tìm tung tích của lăng mộ vua Quang Trung. Bởi lẽ, những dấu tích lịch sử, sử liệu thời Tây Sơn đã bị vua Gia Long tiêu hủy.

Tháng 10/2016, được sự đồng ý của Bộ VH, TT&DL, một cuộc thám sát khảo cổ học đã được tiến hành tại khu vực gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế nơi được cho là vị trí đặt lăng mộ của hoàng đế Quang Trung.

Trong đợt thám sát nói trên, các chuyên gia khảo cổ học sẽ đào và thăm dò tại 5 hố tại khu vực chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh (phường Trường An) và nhà số 13/120 Điện Biên Phủ, thành phố Huế với tổng diện tích thám sát tại năm hố này là 22m2. Cuộc thám sát lần này để trả lời câu hỏi: Liệu lăng mộ vua Quang Trung có nằm tại gò Dương Xuân hay không?

Hành trình 30 năm đi tìm lăng mộ người anh hùng áo vải 

Để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện về vua Quang Trung và lăng mộ của vị vua này, phóng viên đã tìm gặp ông Nguyễn Đắc Xuân là nghiên cứu văn hóa Huế, người bỏ ra hơn 30 năm để đi tìm lăng mộ Quang Trung Hoàng đế.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Xuân cho biết, khu vực gò Dương Xuân trước đây có tồn tại một cung điện có tên Đan Dương vốn là phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn. Sau khi lên ngôi, vua Quang Trung đã dùng cung điện này làm nơi ở và làm việc và đặt tên là Đan Dương. Lăng mộ của vị vua này nằm trong cung điện Đan Dương và có tên là Đan Lăng. Chính vì vậy chỉ cần tìm ra cung điện là tìm ra được vị trí đặt lăng mộ.

Ông Xuân cho rằng, khi Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế đã tìm được huyệt mộ của vua Quang Trung nên đã quyết định quật mộ của vị vua nhà Tây Sơn để báo thù. Những sách vở và tài liệu liên quan đến nhà Tây Sơn cũng bị thiêu hủy, chính vì vậy mà thông tin về cung điện Đang Dương cũng như Đan Lăng đã không còn.

Nhà nghiên cứu này cho hay, tuy những tài liệu đã bị vua Gia Long tiêu hủy nhưng vẫn còn chứng cứ để nghiên cứu. Ông Xuân dẫn chứng, trong bài thơ “Cảm Hoài” của Ngô Thì Nhậm có câu: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” (cung điện Đan Dương là nơi chôn cất thi hài của nhà vua). Căn cứ vào câu thơ trên, ông Xuân bước đầu cho rằng vốn tồn tại một cung điện tại gò Dương Xuân.

Ông Xuân chứng minh rằng, trong quá trình làm các công trình dân sinh người dân đã phát hiện ra nhiều viên gạch cổ, các mảnh sành sứ, và các đá tảng dùng để dựng cột nhà, chứng tỏ ở gò Dương Xuân vốn tồn tại một phủ đã bị vùi lấp.

Ông Nguyễn Hữu Oánh có nhà ở sát chùa Thuyền Lâm (một trong 5 hố được thám sát) kể rằng, đời ông bà của ông đã phát hiện nhiều đá cổ dưới đất, sau đó đưa lên chùa Vạn Phước để thờ cúng. Thời chiến tranh, khi máy bay địch ném bom, gia đình ông Oánh đào hầm trốn máy bay đã phát hiện được một khuôn tịch (nơi chôn huyệt mộ) và chui xuống đó để nấp.
 


Hiện vật được phát hiện dưới các hố thám sát



Vết tích được cho là tường thành tại hố thám sát tại nhà bà Rô

Những vết tích đầu tiên

Tháng 10/2016, đoàn thám sát bước đầu công bố những kết quả thu được tại các hố thám sát. Tại hố khảo cổ ở nhà ông Oánh, đã đào được một lớp đất có dấu hiệu lạ có phần khác với các tầng đất khác, một nửa có màu vàng trắng như cát và sỏi, nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc.

Tại hố thám sát tại chùa Vạn Phước đã phát hiện được mẫu vật như một thanh kiếm, tuy nhiên các chuyên gia khảo cổ cho rằng chưa đánh giá được đó có phải là kiếm hay không, tại ba hố này còn phát hiện được thêm các mảnh sành sứ và gạch, nồi đất...
 
Tại hố thám sát ở số nhà 13/120 Điện Biên Phủ đoàn nghiên cứu đã phát hiện được dấu vết rất quan trọng nghi là dấu tích của một bức tường thành cổ. Ở độ sâu chừng 0,2 mét đã chạm phải một lớp đá, với nhiều tảng đá xếp theo hàng. Lớp đá này gồm khoảng 5 tảng đá khá lớn đặt theo 2 hàng ngay ngắn vuông góc với nhau. Riêng đoạn cuối lớp đá ở hàng song song với bờ tường và khá giống lớp đất lạ ở hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh tìm nghi liên quan công trình kiến trúc.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng ngôi nhà số 13/120 Điện Biên Phủ này nguyên là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở vùng gò Dương Xuân. Chủ nhân thời đó là bà Lê Thị Rô đã từng khẳng định với ông bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 là bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này. 
 
Còn tại hố thám sát ở trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm, ngoài các hiện vật như mảnh gạch, đá, sành sứ, việc thăm dò cũng phát hiện một om (hũ) nghi táng thi hài nằm sâu khoảng 1 m so với mặt đất.
 
Tại thời điểm phát hiện các dấu tích nói trên, PGS-TS Bùi Văn Liêm Viện phó Viện Khảo cổ học, các hố thăm dò bước đầu đã mang lại kết quả.  Ông Liêm đánh giá, mặc dù là hố thăm dò nhưng có các tín hiệu tốt, có thể liên quan  đến các kiến trúc khác trong sử sách đã nói đến như phủ, cung điện mùa đông, thành. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu tiếp thì mới có thể kết luận được đó là thành, tường hay biểu hiện của tường thành, vì vậy chưa nên kết luận vội vàng mà phải tiếp tục nghiên cứu.
 
Tháng 1/2017, đoàn chuyên gia thám sát khảo cổ đã tiến hành báo cáo những kết quả bước đầu của đợt thám sát trước đó. Các chuyên gia cho rằng phải tiếp tục nghiên cứu về khu vực gò Dương Xuân, tiến hành khai quật khảo cổ học để làm rõ những nghi vấn về lăng mộ của vua Quang Trung.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đắc Xuân cho hay, nhiệm vụ của ông đó là xác định vị trí của khu vực nghi có lăng Đan Dương của Quang Trung Hoàng đế, nhiệm vụ hiện tại của ông đã kết thúc. Nhà nghiên cứu này cũng kiến nghị rằng nên tổ chức khai quật khảo cổ học để làm rõ và vén lên tấm màng của lịch sử.
 
Hiện tại những hố thám sát khảo cổ học nói trên đã được lấp lại, dùng bạc và ni lông trải lên để bảo vệ và trả lại mặt bằng. Những hiện vật đào được khi khảo sát sẽ được đưa về bảo tàng để bảo quản để tiếp tục nghiên cứu.

Còn tiếp...

 
Nguyễn Điệp

Bạn đang đọc bài viết "Phóng sự đặc biệt: Bí mật lăng mộ của vua Quang Trung" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.