Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững

28/03/2023 08:39

Theo dõi trên

Hội thảo quốc tế về "Phát huy vai trò giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam" được tổ chức ngày 24.3 tại Hà Nội với mục tiêu đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam; khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng.

ad235346467-1679967421.jpg
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo

Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức là một sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo.

Thách thức giữa bảo tồn và phát triển

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An chia sẻ, với đặc thù riêng, Khu phố cổ Hội An không chỉ là di sản mà còn là "di sản sống" bởi các di sản chính là nhà ở của các cư dân. Vì vậy, ngoài các quy định về lĩnh vực bảo tồn di sản, nơi này còn chịu sự điều tiết của rất nhiều quy định pháp luật khác của một địa phương thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Điều này tạo nên đặc điểm khá đặc thù của Khu phố cổ và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hơn so với nhiều di sản khác ở Việt Nam.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, một trong những bất cập của khu đô thị cổ Hội An là những thách thức cần được giải quyết về các mối quan hệ giữa bảo tồn để phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình; mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể...

trang-an-1679886548312758-1679967488.jpg
Các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được bảo tồn và phát triển bền vững nhờ khai thác du lịch xanh

Từng đối diện với thách thức bảo tồn và phát triển như Hội An, vịnh Hạ Long đã có thời kỳ là nơi sinh sống của nhiều ngư dân, làng chài. Ông Lê Minh Tân, Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ giá trị cảnh quan thiên nhiên, địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử, tiêu biểu như: đã ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan trong quá trình tu bổ, tôn tạo cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch trên vịnh; mời các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, khai quật các di chỉ khảo cổ và tổ chức trưng bày hiện vật khảo cổ tại một số hang động nhằm tạo sản phẩm du lịch độc đáo; mời nghệ nhân truyền dạy, phục dựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng ngư dân thủy cư từng sinh sống đời nối đời trong lòng Di sản để vừa gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa phát triển loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng với sự tham gia tích cực của các ngư dân vùng vịnh Hạ Long.

Đồng quan điểm về thách thức trong bảo tồn và phát triển, ông Phan Hộ- Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết: Tại Di sản Mỹ Sơn, việc bảo tồn di sản là rất cần thiết để đảm bảo rằng các công trình kiến trúc có tuổi đời hàng ngàn năm không bị can thiệp, làm mới, hay tác động làm mất giá trị, thay đổi hiện trạng. Chỉ một thời gian ngắn, 70 công trình đền tháp khi người Pháp phát hiện đã bị chiến tranh hủy hoại còn lại 20 công trình. Sự hoang tàn đổ nát sau chiến tranh đối với Di sản Mỹ Sơn là hết sức nặng nề hơn bất cứ di sản nào của Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến trúc công trình cần sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để kiến giải những bí ẩn về kỹ thuật xây dựng. Đó là vấn đề bảo tồn, còn thực trạng thì việc phát triển kinh tế tại vùng đất này sau chiến tranh lại thôi thúc các nhà quản lý vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhu cầu phát huy, phát triển du lịch Mỹ Sơn không phải là ít. Tiềm năng khu di sản là rất lớn. Trong những năm thập niên 80 đã từng có ý tưởng chặn dòng Khe Thẻ để ngăn đập làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp địa phương. Từ năm 1999, khi Mỹ Sơn được công nhận di sản văn hóa thế giới thì nhu cầu phát triển du lịch càng mạnh mẽ hơn trong đường lối khai thác của các nhà quản lý, chính quyền địa phương.

hoi-an-16798868901-1679967507.jpg

Du lịch xanh- hướng phát triển bền vững của di sản

Tất cả các địa phương sở hữu di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đều xác định, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch bền vững nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và di sản văn hóa. Phát triển du lịch nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương để chia sẻ lợi ích, tăng trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân có thể tham gia vào việc quản lý và bảo tồn di sản đồng thời giúp người dân vùng di sản tăng cường nhận thức về giá trị của di sản văn hóa.

Ông Phạm Hồng Thái- Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng cho rằng, tài nguyên di sản được bảo toàn tính toàn vẹn nhưng giá trị tài nguyên phải được sử dụng nhằm nâng cao sinh kế cho cộng đồng và đóng góp vào bảo tồn. Du lịch được xem là công cụ tích cực đối với bảo tồn trên cơ sở đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái, các giá trị tài nguyên được lượng hóa, các nguồn thu được chia sẻ, các ảnh hưởng do các hoạt động du lịch được kiểm soát….

Du lịch trong VQG là giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm tăng thu nhập, giảm thiểu tác động tiêu cực lên tài nguyên. Khi cộng đồng được hưởng lợi từ Di sản thì mới bảo vệ Di sản được tốt từ đó có thể khai thác tốt được các giá trị của Di sản. Vậy nên, cần phải thúc đẩy cộng đồng địa phương phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ cho người dân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái bền vững, phát triển các mô hình sinh kế... Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trong khu di sản cần thiết phải coi trọng việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phải xây dựng các cơ sở mang tính pháp lý, thực thi đầy đủ và nghiêm khắc các quy định về bảo vệ tài nguyên, xây dựng các nguồn lực, áp dụng các bộ công cụ hỗ trợ quyết định phục vụ quản lý bảo tồn tài nguyên"- ông Phạm Hồng Thái chia sẻ.

hnnn467457-1679967545.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Ông Bùi Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An khẳng định, sự hợp tác công- tư đã tạo chuyển biến tích cực trong bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản. Theo đó, chính quyền định hướng, ban hành các quy chế, chính sách; doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích, cơ sở hạ tầng, tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học, xây dựng định hướng bảo tồn các giá trị Di sản và các sản phẩm du lịch. Người dân địa phương có thêm sinh kế, vừa tham gia làm du lịch, vừa bảo vệ môi trường cảnh quan, người dân sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản. Trong suốt thời gian qua, ba trụ cột: Nhà nước- doanh nghiệp- người dân đã góp phần hình thành các khu, điểm du lịch có trách nhiệm tại Tràng An – Ninh Bình, tác động tích cực đến phát triển du lịch và việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình trên trường quốc tế.

Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn, quy trình thủ tục, hướng dẫn cách thức, trình tự tháo gỡ khó khăn và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.

Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.